Còn vụ nuôi năm nay (2012), hộ XV có lãi cao nhất lên đến 800 triệu (nuôi tôm thẻ chân trắng), thấp nhất cũng trên 20 triệu (nuôi tôm sú); có 1 hộ huề vốn, 5 hộ bị lỗ/tổng số 23 hộ XV với 53ha mặt nước thả nuôi...
Chuyển hướng vật nuôi
Chủ nhiệm HTX Tăng Văn Tuối cho biết: “Năm 2010 trúng mùa, lời hơn 7 tỉ đồng, năm 2011 ban chủ nhiệm và XV đều chủ quan nên bị thiệt hại hơn 3 tỉ đồng. Đây là lần thiệt hại lớn đầu tiên đối với HTX trong 10 năm qua, kể từ khi thành lập”.
Còn theo Phó Chủ nhiệm Tăng Văn Xúa: “Do mầm bệnh còn lưu tồn trong môi trường nên thiệt hại là khó tránh khỏi”. Ông Xúa là một trong những hộ thả nuôi đầu tiên và có đến 6 ao tôm chết, mất đứt vài trăm triệu đồng. Còn tính chung, toàn HTX có tới 17ha tôm bệnh và chết. HTX quyết định tạm ngưng thả nuôi, tìm giải pháp khắc phục.
Cuộc họp đầu vụ năm 2912, ban chủ nhiệm và XV cùng nhau đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân thiệt hại và quyết định tìm đối tượng nuôi mới. Ông Tuối cho biết: "Chúng tôi rút ra kinh nghiệm, chỉ thả giống khi gió nồm thổi mạnh và bắt đầu có mưa, lúc đó môi trường ao nuôi đã ổn định. Chuyển một phần diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) theo quy trình CPF-Turbo Program của Cty Cổ phần CP”.
Quyết định này đã mang lại thành công cho HTX Hoà Nghĩa dù vụ nuôi năm nay dịch bệnh tiếp tục gây thiệt hại hơn 56% diện tích tôm nuôi ở Sóc Trăng. Kết quả cho thấy, quyết định chuyển sang nuôi tôm TCT của HTX là đúng. Chỉ với 14,2ha nuôi tôm TCT, sản lượng thu hoạch lên đến 55,5 tấn tôm thương phẩm, trong khi 28,35ha nuôi tôm sú sản lượng chỉ đạt 20,5 tấn. Tất cả XV nuôi tôm TCT đều có lãi (thấp nhất 140 triệu đồng, cao nhất 800 triệu đồng). Còn những XV nuôi tôm sú mức lãi cao nhất chỉ 110 triệu đồng và có đến 5 hộ bị lỗ, 1 hộ huề vốn.
Ông Tuối đúc kết: "Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, thời gian nuôi càng ngắn càng ít rủi ro nên con tôm TCT rất phù hợp. Chỉ cần sau 45 ngày là có thể yên tâm không sợ bị lỗ vốn. Giá tôm TCT năm nay lại luôn ở mức khá cao so với tôm sú cùng cỡ...”.
Riêng ông Xúa năm nay thực hiện mô hình nuôi cá rô phi trong ao lắng, sau đó tuyển chọn một số cá đực thả vào ao nuôi chung với tôm TCT. Ông Xúa chia sẻ: “Cách làm này rất hiệu quả, chỉ với 2 ao nuôi tôm TCT trong thời gian 110 ngày, tôi lãi trên 800 triệu đồng, trừ đi phần lỗ do thiệt hại 6 ao sú trước đó vẫn còn 500 triệu đồng!".
Hướng tới “Cánh đồng mẫu tôm”
Chủ nhiệm Tăng Văn Tuối (ngồi giữa) đang thảo luận cùng cán bộ kỹ
thuật để thực hiện “Cánh đồng mẫu tôm” trong vụ nuôi năm 2013.
Theo kế hoạch, vụ nuôi 2013 HTX Hoà Nghĩa sẽ chọn ra một khu vực (diện tích khoảng 20ha) liền kề nhau để thực hiện thí điểm mô hình “Cánh đồng mẫu tôm”! Theo đó, tất cả các ao đều phải nuôi theo quy trình an toàn sinh học từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, chọn con giống sạch bệnh - khỏe mạnh, xác định đúng lịch thời vụ và hoàn toàn không sử dụng thuốc diệt giáp xác (chỉ sử dụng chlorine), không bơm bùn đáy ra sông rạch. HTX sẽ khôi phục mô hình nuôi ghép với cá rô phi kết hợp với việc thả mật độ thưa, mở rộng thêm diện tích nuôi tôm TCT. Mật độ tôm sú giống thả nuôi dự kiến chỉ khoảng từ 10 - 15 con/m2, còn tôm TCT cao nhất 60 con/m2.
Chủ nhiệm Tuối tính toán: "Ở vụ nuôi 2011, có hộ chỉ thả 100.000 con giống tôm TCT trên diện tích 8.000m2, tính ra mật độ chỉ khoảng 13 con/m2, nhưng thu hoạch năng suất tới 3,2 tấn tôm, lời 300 triệu đồng”.
HTX Hòa Nghĩa cũng đã liên kết với Cty Cổ phần thực phẩm Sao Ta để nắm vững thông tin nhu cầu thị trường về chủng loại tôm, kích cỡ tôm... để chọn đối tượng nuôi và nuôi đạt kích cỡ theo yêu cầu, tránh dư lượng kháng sinh.
Theo ông Tuối, để tránh dư lượng kháng sinh, trước khi thu hoạch, HTX thông báo cho nhà máy xuống lấy mẫu kiểm tra, nếu đạt thì mới thu hoạch, còn nếu chưa đạt thì phải có hướng xử lý để khi nào tôm thật sạch mới tiến hành thu hoạch. Với nhiều giải pháp xoay trở trong bối cảnh tình hình tôm nuôi ở Sóc Trăng và vùng ĐBSCL tiếp tục bị dịch bệnh tấn công, hy vọng Hòa Nghĩa có thể trụ vững trong thời gian tới...