Thị trường lớn, nhu cầu cao
Theo dự báo, năm 2016, mặt hàng nông - lâm - thủy sản sẽ có nhiều triển vọng tăng kim ngạch do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế. Thực tế cho thấy, sau 2 tháng đầu năm, kim ngạch XK của nhóm nông - lâm - thủy sản đã đạt 2,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng XK của nhiều mặt hàng trong nhóm đều tăng như: Hạt điều, hạt tiêu, gỗ và rau quả...
Nếu như những năm trước đây, phần lớn lượng nông sản được XK sang các thị trường gần, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng thời gian tới, nông sản được kỳ vọng sẽ hiện diện nhiều hơn ở các thị trường xa hơn, khó tính hơn, đòi hỏi tương đối cao về chất lượng nhưng đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn, như thị trường Hoa Kỳ , EU.
Do nhu cầu ổn định, cùng lợi thế từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại, Hoa Kỳ được nhận định là thị trường là khả quan nhất cho XK nông sản Việt Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng 1/2016 với thị phần là 13,07% (chỉ sau Đức). Hoa Kỳ cũng là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Với sức mua lớn, dù kinh tế phục hồi chậm nhưng nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) vẫn gia tăng. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã kết thúc đàm phán được dự báo sẽ mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi 90% hàng hóa vào thị trường này được hưởng mức thuế suất 0%. Hiện những mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất trong các mặt hàng nông sản Việt Nam XK sang thị trường EU là cà phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Đặc biệt, EU là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Vượt rào cản kỹ thuật
Bên cạnh những thuận lợi, rào cản cho nông sản Việt vào các thị trường này cũng tương đối lớn. Đơn cử như nông - lâm - thủy sản Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa cùng loại của hàng loạt các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia khi XK vào thị trường Hoa Kỳ. Những rào cản về kỹ thuật và thương mại cũng là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.
Đối với thị trường EU, khó khăn lớn nhất là những rào cản phi thuế quan như chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Một số ngành hàng như chè, rau quả, thủy sản Việt vẫn bị “tuýt còi” do còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Các sản phẩm gỗ phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ mới được hưởng những ưu đãi từ FTA Việt Nam - EU...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để hoàn thành mục tiêu XK nông sản năm 2016 đạt từ 39 - 40 tỷ USD, định hướng trước mắt và lâu dài vẫn là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại, đặc biệt theo hướng bền vững, lâu dài. Các bộ, ngành cũng cần tăng cường phối hợp và bảo đảm giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật và tranh chấp phát sinh trong giao dịch nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gắn kết chặt chẽ nhu cầu của các ngành hàng, các doanh nghiệp, hướng vào thị trường trọng tâm, trọng điểm có nhu cầu lớn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm, doanh nghiệp...
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh:
Bộ Công Thương tiếp tục có cơ chế điều hành linh hoạt, mang lại môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp như tăng cường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức, hướng dẫn thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời và có hiệu quả, xây dựng vùng nguyên liệu có chất lượng….