Điển hình như ông Trần Quyết Định, xã Tân Ân Tây. Ông Định đào 3 ao với diện tích trên 1.800 m2, thả 4.000 con cá mú giống. Sau 8 tháng nuôi, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 800 g trở lên, ông bán ra thị trường giá từ 160.000-180.000 đồng/kg, thu lãi trên 160 triệu đồng.
Ông Trần Quyết Định cho biết, cá bống mú là loài ăn tạp, có khả năng chịu mặn tốt, ít bệnh, cá nuôi ít hao hụt, lớn nhanh. Thức ăn chủ yếu tận dụng từ các loại cá phân của các chủ hàng đáy, hay các loài cá trong vuông. Hiện cá mú giống mua ở ngoài tỉnh, giá mỗi con trên 10.000 đồng.
Mô hình nuôi cá bống mú không tốn nhiều đất, khoảng 1.000 m2 thì có thể thực hiện được mô hình. Tuy nhiên, tiền cá giống và cải tạo ao khá cao, bình quân cải tạo diện tích ao 1.000 m2 và mua 800 con cá giống tổng chi phí trên 15 triệu đồng, nên hộ nghèo khó có thể thực hiện được mô hình này.
Để mô hình nuôi cá bống mú phát triển, thời gian tới ngành chức năng huyện Ngọc Hiển cần có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra sản phẩm… Đó là điều kiện để hộ nghèo, ít đất sản xuất có được mô hình nuôi hiệu quả và vươn lên thoát nghèo./.