Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã chủ trì thực hiện đề tài NCKH cấp bộ: “Nghiên cứu chuỗi giá trị cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ”. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách xây dựng và đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, xây dựng được mô hình liên kết giữa các khâu trong chuỗi, phân phối lợi nhuận hợp lý giữa các bên tham gia nhằm góp phần bảo vệ bền vững nguồn lợi cá cơm và quảng bá thương hiệu các sản phẩm được chế biến từ cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong 2 năm (2012-2013) đề tài đã thực hiện 5 nội dung chính: Nghiên cứu, phân tích và đánh giá thực trạng chuỗi giá trị của cá cơm khai thác tại vùng biển Tây Nam Bộ; Nghiên cứu, phân tích bản chất, cơ chế các mối liên kết của các tác nhân trong chuỗi; Các yếu tố thể chế, chính sách, môi trường tác động lên chuỗi liên kết; Xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị cá cơm; Tổng hợp đề xuất các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ. Phạm vi nghiên cứu bao gồm các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, và TP. Hồ Chí Minh.
Bước đầu, Đề tài đã đưa ra được cái nhìn tổng quát về hiện trạng khai thác, chế biến, tiêu thụ cá cơm tại vùng Tây Nam Bộ, xây dựng được sơ đồ chuỗi giá trị tổng quát, sơ đồ chuỗi giá trị nước mắm cá cơm truyền thống, sơ đồ chuỗi giá trị cá cơm sấy khô và các tác nhân chính đóng vai trò quan trọng trong chuỗi đồng thời kết quả nghiên cứu cũng đã đưa ra được mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm cá cơm cho các sản phẩm cá cơm sấy khô, cá cơm tẩm gia vị, nước mắm phù quốc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị cá cơm.
Với những nghiên cứu bước đầu, nhóm thực hiện đề tài sẽ tiếp tục hoàn thiện các giải pháp cũng như đề xuất các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả về kinh tế - xã hội – môi trường trong chuỗi giá trị cá cơm nói riêng và nghề khai thác thủy sản nói chung.