Tuy nhiên, sự đổi mới này đi kèm với nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh do vi khuẩn gây ra ngày càng nhiều ở các trang tại nuôi tôm Việt Nam, trở thành yếu tố rủi ro cao dẫn đến sụt giảm sản lượng tôm và thiệt hại về kinh tế cho người nuôi.
Các loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến trên tôm
Vi khuẩn phổ biến nhất xuất hiện tự nhiên trong nước biển hoặc nước cửa sông là Vibrio. Vi khuẩn Vibrio là một trong những nguyên nhân của sự nhiễm trùng sơ cấp và thứ cấp trên động vật thủy sản có thể gây tỷ lệ chết cao cho tôm từ trại sản xuất giống đến các ao nuôi thương phẩm.
Vibrio harveyi là loài vi khuẩn thường gây chết hàng loạt trong thời gian tương đối ngắn. Vibrio harveyi tấn công ấu trùng tôm ở giai đoạn zoea, mysis và hậu ấu trùng.
Bệnh tôm nhiễm vi khuẩn thứ hai là AHPND (Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính) còn gọi là EMS (Hội chứng tôm chết sớm) do nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có khả năng sản sinh độc tố khiến tỷ lệ tôm chết lên tới 100%. Sự xuất hiện của bệnh AHPND đã dẫn đến việc giảm sản lượng trên diện rộng, đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế ở các nước bị ảnh hưởng. Tôm chết do AHPND xảy ra trong vòng 40 ngày sau khi thả tôm vào ao. Tôm bị bệnh có biểu hiện đường tiêu hóa trống rỗng, gan tụy nhợt nhạt và teo lại, có các đốm đen trên gan tụy. Thông thường, tôm chết vào khoảng ngày thứ 10 sau khi thả giống, tôm suy yếu chìm xuống đáy ao trước khi chết.
Một vấn đề khác thường gặp ở các trại nuôi tôm thẻ là hội chứng phân trắng. Tại các ao nuôi tôm thẻ hội chứng phân trắng thường xảy ra ở giai đoạn 30 – 60 ngày sau khi thả nuôi. Sự gia tăng mật độ vi khuẩn Vibrio trong môi trường nước ao được cho là một trong những tác nhân gây ra hội chứng phân trắng. Tiến sĩ Limsuwan thuộc trung tâm nghiên cứu thương mại thủy sản (ABRC) của Thái Lan tiến hành phân lập vi khuẩn trên các mẫu tôm bị phân trắng cho thấy hầu hết những mẫu tôm này có một lượng lớn vi khuẩn Vibrio trong huyết tương. Các chủng vi khuẩn được phát hiện bao gồm V. vulnificus (80%), V. fluvialis (44%), V. parahaemolyticus (28%), V. alginolyticus (20%), V. damselses (18%), V. minicus (8%) và V. cholera (6%).
Tôm bị hoại tử cấp do vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus gây ra. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn
Vibrio anguillarum được xem là một trong các tác nhân gây bệnh đốm đen trên tôm thẻ chân trắng. Vi khuẩn có khả năng tiết ra các chất ăn mòn lớp vỏ kitin của tôm gây ra các đốm đen và nâu trên vỏ tôm. Các đốm đen xuất hiện nhiều trên. Bệnh phát triển mạnh ở các ao có sự tích tụ dư lượng thức ăn hữu cơ ở đáy ao và hàm lượng khí độc như NH3, NO2, H2S cao, hàm lượng oxy hòa tan thấp. Khi bệnh ở mức độ nặng tôm sẽ giảm ăn, tốc độ tăng trưởng chậm, chết rải rác.
Farmext LAB - Xét nghiệm tầm soát bệnh tôm
Để điều trị bệnh cho các động vật thủy sản và giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi, sử dụng kháng sinh là một trong những biện pháp phổ biến mà người nuôi lựa chọn. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh trên động vật thủy sản đã dẫn đến tình trạng kháng thuốc trên các nhóm vi khuẩn gây bệnh.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy thấy hiện tượng kháng nhiều loại kháng sinh của Vibrio spp. phân lập từ mẫu nước và mô của các động vật thuỷ sản. Việc sử dụng kháng sinh không kiểm soát sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình điều trị bệnh. Sự hiện diện của vi khuẩn kháng kháng sinh và gen kháng kháng sinh (ARG) trong các trang trại nuôi trồng thủy sản gây ra rủi ro đáng kể cho con người và sinh vật dưới nước (Harnisz et al., 2015; Ranjan & Thatikonda, 2021).
Bên cạnh đó, sự tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản cũng là một trở ngại làm cho Việt Nam không có nguồn thủy sản sạch để xuất ra các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… dẫn đến thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của Việt Nam. Trong một nghiên cứu gần đây (Vu và cộng sự, 2022), V. parahaemolyticus được phân lập thường từ các mẫu tôm (86,67%) và hầu hết các chủng phân lập (85,71%) đều kháng ít nhất một loại kháng sinh được thử nghiệm.
Trong đó, tỷ lệ kháng ampicillin (81,43%), kế đến là cefotaxime (11,43%), ceftazidime (11,43%), cotrime: trimethoprim-sulfamethoxazole (8,57%) và tetracycline (2,86%).
Farmext LAB định vị mình theo 03 tiêu chí: Hiện đại - Khoa học - Khách quan
Với sự ra đời của Hệ Thống Phòng Xét Nghiệm Farmext, chúng tôi mong muốn xây dựng được chương trình cảnh báo dịch bệnh trên động vật thủy sản và sự kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh trên tôm nuôi ở một số khu vực Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Kết quả dự báo này sẽ giúp người nuôi tôm hiểu hơn về tình hình kháng kháng sinh tại khu vực ao nuôi của mình. Từ đó, có sự lựa chọn kháng sinh đúng trong quá trình điều trị bệnh trên tôm nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế và giảm thiểu rủi ro.
Thu mẫu và phân tích kháng sinh
Thu mẫu
Tháng 11 năm 2023 chúng tôi tiến hành thu 3 mẫu nước khu vực sông, kênh cấp nước chính, 2 mẫu bùn ở kênh cấp nước chính, 5 mẫu nước và 5 mẫu tôm của một số trại nuôi ở khu vực Năm Căn, Cà Mau để tiến hành phân lập và kiểm tra sự kháng kháng sinh của một số chủng vi khuẩn Vibrio spp.
Phân tích kháng sinh đồ
Mẫu nước mẫu bùn và mẫu tôm được cấy trải trên môi trường chọn lọc Chromagar Vibrio ở nhiệt độ 30 độ C trong 18 - 24h. Sau đó tiến hành phân tích hình thái khuẩn lạc của các vi khuẩn Vibrio như sau: V. parahaemolyticus có màu tím hoa cà; khuẩn lạc của V. alginolyticus màu trắng/không màu, V. vulnificus và V. cholerae có màu xanh lá đến xanh lam.
Kiểm tra kháng sinh đồ được thực hiện theo phương pháp Birby Bauer và Stokes. Môi trường được sử dụng là Muller Hinton agar có bổ sung 1% NaCl trên 15 loại kháng sinh bao gồm: cephalexin 30µg (Cp), cefuroxime 30µg (Cu), cefotaxime 30µg (Ct), streptomycin 10µg (Sm), kanamycin 30µg (Kn), gentamicin 10µg (Ge), erythromycin 15µg (Er), rifampicin 30µg (Rf), tetracycline 30µg (Te), doxycycline 30µg (Dx), cotrime: sufamethoxazole/trimethoprim 23,75/1,25µg (Bt), ciprofloxacin 5µg (Ci), levofloxacin 5µg (Lv), florfenicol 30µg (Fl), enrofloxacin 5µg (Ef).
Khuẩn lạc cho vào ống nghiệm chứa sẵn 3 ml nước muối sinh lý sao cho có độ đục ngang bằng với ống chuẩn Mc-Farland. Sau đó, hút 0,1 mL dung dịch vi khuẩn cho vào đĩa MHA 1% NaCl và tán đều trên mặt thạch. Tiếp theo, dùng kẹp tiệt trùng đặt từng đĩa kháng sinh lên mặt thạch (5 đĩa kháng sinh/đĩa môi trường thạch), ủ ở nhiệt độ 30 độ C và đọc kết quả sau 24h. Đọc kết quả dựa vào tài liệu The Clinical and Laboratory standards institute (CLSI, 2006).
Kết quả
Tiến hành phân lập trên môi trường Chromagar Vibrio, dựa vào đặc điểm hình thái và màu sắc của khuẩn lạc, chúng tôi xác định được 9 mẫu V. parahaemolyticus (23,68%), 15 mẫu V. vulnificus/V. cholerae (39,47%) và 14 mẫu V. alginolyticus (36,84%).
Kết quả phân lập vi khuẩn từ mẫu nước, mẫu bùn ở sông và kênh cấp chính tại thời điểm thu mẫu cho thấy có sự hiện diện của vi khuẩn V. parahaemolyticus (khuẩn màu tím) ở mật độ rất cao so với ngưỡng cho phép (Hình 1).
Hình 1: Sự hiện diện của V. parahaemolyticus trên môi trường Chromagar Vibrio từ mẫu nước và bùn của sông chính
Kết quả kiểm tra kháng sinh đồ cho thấy sự kháng kháng sinh của vi khuẩn Vibrio phân lập được với streptomycine, doxycycline, cotrime, cefuroxime, tetracycline, kanamycin, cephalexin khá cao với tỷ lệ lần lượt là 42,11%, 42,11%, 39,47%, 36,84%, 34,21%, 28,95% và 26,32% (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn Vibrio spp. với từng loại kháng sinh kiểm tra.
Sự kháng kháng sinh của từng nhóm vi khuẩn đã phân lập được trình bày chi tiết ở Bảng 1. Kết quả cho thấy V. parahaemolyticus có sự kháng thuốc thấp nhất trong các chủng Vibrio kiểm tra. Trong khi đó, các chủng vi khuẩn Vibrio có khả năng gây bệnh đường ruột cho thấy sự kháng kháng sinh cao. Điều này có thể liên quan đến thói quen xài nhiều loại kháng sinh và không theo nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho việc phòng và trị bệnh đường ruột trên tôm nên đã hình thành sự kháng thuốc trên vi khuẩn trong ao.
Bảng 1. Sự kháng kháng sinh của từng nhóm vi khuẩn Vibrio kiểm tra
Sự đa kháng kháng sinh: kết quả cho thấy có 2 chủng Vibrio (5,26%) kháng với 7 loại kháng sinh cephalexin, cefuroxime, streptomycin, kanamycin, tetracycline, doxycycline, cotrime (Biểu đồ 2). Kết quả cũng cho thấy 12 chủng Vibrio (31,58%) kháng với 2 đến 3 loại kháng sinh và 11 chủng Vibrio (28,95%) kháng với 4 đến 6 loại kháng sinh kiểm tra. Tuy nhiên, tín hiệu mừng là có 7 chủng Vibrio (18,42%) không có sự kháng với 15 loại kháng sinh kiểm tra.
Trong quá trình thu mẫu và kiểm tra chúng tôi ghi nhận các chủng Vibrio thu từ 1 trại nuôi tôm theo tiêu chuẩn An Toàn Sinh Học có sự kháng kháng sinh thấp, thậm chí không có sự kháng với các kháng sinh kiểm tra. Điều này cho thấy nếu được tuyên truyền và hướng dẫn đúng thì các mô hình nuôi tôm An Toàn Sinh Học có thể triển khai rộng rãi và giảm thiểu rủi ro do việc sử dụng kháng sinh không kiểm soát.
Biểu đồ 2: Sự đa kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn Vibrio phân lập được
Khuyến cáo
Các hộ nuôi có thể tăng cường việc kiểm tra và xử lý hoá chất diệt khuẩn nguồn nước cấp kỹ trước khi cấp vào trại nuôi để tránh rủi ro cho tôm nuôi.
Khi tôm có biểu hiện bệnh, các hộ nuôi cần tham khảo sự kháng kháng sinh của vi khuẩn Vibrio spp. trong khu vực để có sự lựa chọn kháng sinh hợp lý, mang lại hiệu quả điều trị cao.
Các hộ nuôi cần chú ý không sử dụng 2 loại kháng sinh cấm ciprofloxacin và enrofloxacin để không gặp trở ngại không việc bán tôm khi thu hoạch. Ngoài ra, đối với các loại kháng sinh hạn chế sử dụng erythromycine, florfenicol, neomycine, tetracycline, sulfonamide, trimethoprim người nuôi tôm cũng nên xây dựng một phác đồ điều trị đúng bệnh, đúng thời điểm để không có sự tồn dư vượt mức quy định trong các sản phẩm tôm khi thu hoạch, cũng như tránh sự kháng kháng sinh trong quá trình nuôi tôm.
* Do thời gian hạn chế nên lượng mẫu thu thập chưa nhiều, Kết quả ghi nhận được từ nghiên cứu mang giá trị tham khảo.