Nuôi cá chép trên những chân ruộng bậc thang đã có truyền thống lâu đời ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. Nhiều xã như Bản Luốc, Nậm Khòa, Nam Sơn, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Dịch... phát triển hình thức nuôi cá chép trong ruộng lúa ruộng bậc thang với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập và giảm nghèo cho nông dân.
Toàn huyện có 3.570 ha ruộng bậc thang; diện tích có nước thường xuyên khoảng 500 ha, nhưng chỉ có 255 ha cấy lúa vụ xuân. Vì thế huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng mô hình nuôi cá chép ruộng theo hướng hàng hóa gắn phát triển kinh tế hộ, tạo ra giá trị thu nhập ổn định. Tại Bản Luốc, các hộ gia đình đã đưa trải nghiệm bắt cá chép và làm du lịch trong mùa lúa chín.
Ruộng lúa ngập nước khoảng 20-30cm, là môi trường sống thích hợp cho loại cá chép nhỏ. Người nuôi dễ dàng quan sát được cá khi lớn, khi thu hoạch thường bắt bằng tay.
Cá giống thả trong ruộng lúa khoảng 3 tháng là cho thu hoạch. Thông thường người dân thả cá từ tháng 6 đến tháng 9 khi lúa bắt đầu ngả vàng là có thể thu, cá được bắt trước khi gặt lúa.
"Cá sống ở đây không khó bắt, mỗi khi có khách du lịch đến tham quan hoặc có nhu cầu trải nghiệm, gia đình đều tạo điều kiện để thỏa lòng du khách", chị Triệu Mùi Liều, ở xã Bản Luốc nói.
Cá nuôi trong môi trường nước tự nhiên, sạch nên thân cá có màu trắng sáng.
"Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa. Người dân bón phân cho lúa sẽ bổ sung thức ăn cho cá, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục", anh Đặng Văn Nam nói.
Cá sống tại ruộng có trọng lượng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 200 đến 300 gram.
Nhiều khách du lịch thích thú trải nghiệm cảm giác bắt cá giữa cánh đồng lúa đang thì chín vàng ruộm.
Nhiều người chăm chú quan sát, ghi lại từng khoảnh khắc đuổi bắt cá hài hước trên ruộng.
Cá bắt xong, được chế biến cùng những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc tại đây. Cá nuôi trong ruộng lúa cho thịt thơm ngon, béo ngậy, xương mềm.