Mặc dù việc đánh bắt thủy sản, khai thác nguồn lợi từ biển của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế bất cập khiến cho lĩnh vực kinh tế này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Tiềm năng dồi dào
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, sản lượng thủy sản cả nước năm 2012 ước đạt 5,8 triệu tấn (tăng 5,8% so với năm 2011) trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng, khai thác đạt 2,67 triệu tấn (khai thác hải sản đạt 2,4 triệu tấn).
Chỉ riêng cá ngừ đại dương với sản lượng 19.000 tấn, đạt giá trị xuất khẩu 544,6 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2012 đạt 6,1 tỷ USD.
Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển,…
Riêng về cá biển, đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó trên 1.000 loài có giá trị kinh tế. Đến nay đã xác định được 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi.
Ngoài ra, dọc ven biển có hàng chục vạn héc ta mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn- lợ. Khai thác hải sản là lĩnh vực kinh tế đặc trưng của biển và tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động đánh cá trực tiếp và lao động dịch vụ nghề cá.
Tính đến nay, cả nước đã thành lập được 3.500 tổ, đội sản xuất trên biển (khoảng 21.500 tàu cá) với 136 ngàn lao động tham gia. Khai thác hải sản bao gồm (đánh bắt, nuôi trồng và chế biến) đã trở thành một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao.
Về tiềm năng và trữ lượng dầu khí của Việt Nam ước tính khoảng 3- 4 tỷ mét khối dầu quy đổi, trong đó 0,9- 1,2 tỷ mét khối dầu. Ngành dầu khí là một trong những ngành chủ lực của kinh tế biển, có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.
Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không chỉ đẩy mạnh khai thác dầu khí trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đem về nguồn thu lớn cho ngân sách đất nước mà còn chủ động tìm kiếm, hợp tác khai thác dầu khí ở nước ngoài, tự chủ trong chế tạo thiết bị giàn khoan, thiết bị khai thác dầu khí, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu cho ngân sách.
Khả năng phát triển cảng, vận tải biển là yếu tố trội cơ bản, là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dọc bờ biển đã xác định nhiều khu vực có khả năng xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân (Quảng Ninh), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Đà Nẵng, Dung Quất (Quảng Ngãi), Văn Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa), Vũng Tàu, Thị Vải,…
Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh. Dọc bờ biển đã xác định khoảng 125 bãi biển lớn và nhỏ thuận lợi cho phát triển du lịch, trong đó có khoảng 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên với cảnh quan văn hóa- xã hội của biển, vùng ven biển và các hải đảo cùng với điều kiện thuận lợi về vị trí, địa hình của vùng ven biển đã tạo cho du lịch biển có lợi thế phát triển.
Các tài nguyên khoáng sản khác (ngoài dầu khí) ven biển cũng là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn ở vùng ven biển là than, sắt, ti-tan, cát thủy tinh và các loại vật liệu xây dựng khác.
Tiềm năng chưa “thức giấc”
Mặc dù kinh tế biển của nước ta đạt được những kết quả bước đầu không nhỏ (trong đó có khai thác dầu khí, đánh bắt thủy sản) nhưng nhìn chung quy mô kinh tế biển của Việt Nam còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp, hiệu quả chưa cao.
Chưa hỗ trợ được nền kinh tế đất nước thoát khỏi tụt hậu so với các nước trên thế giới và khu vực. Theo đánh giá của một số chuyên gia, quy mô kinh tế biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của nước ta.
Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập nghĩa là phải cạnh tranh quốc tế để tồn tại và phát triển. So với sự phát triển kinh tế biển của thế giới thì thấy rõ ràng rằng Việt Nam với lợi thế nằm trên bờ Tây của biển Đông- một biển lớn, thuộc loại quan trọng nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và thế giới tiềm năng về kinh tế biển là rất to lớn.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết thế mạnh của kinh tế biển. Chẳng hạn du lịch biển có tiềm năng lớn ở nước ta nhưng ngành du lịch biển vẫn chưa có những sản phẩm dịch vụ đặc sắc, có tính cạnh tranh cao so với khu vực và quốc tế. Việt Nam cũng chưa có khu du lịch biển tổng hợp đạt quy mô và trình độ quốc tế.
Riêng lĩnh vực khai thác đánh bắt thủy sản, Nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để đóng tàu đánh bắt xa bờ, tuy nhiên chưa đem lại kết quả như mong đợi.
Các nghề biển hướng tới tương lai như năng lượng sóng và thủy triều, khai thác khoáng sản dưới lòng nước sâu, hóa chất và dược liệu biển... chưa được nghiên cứu nhiều. Kỹ thuật tổng thể khai thác kinh tế biển vẫn còn ở trình độ rất thấp.
Tình hình trên đang đặt ra nhu cầu cấp bách phải cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế biển trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 dựa trên các căn cứ khoa học vững chắc, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển kinh tế trong thời kỳ mới hiện nay.
Về công tác quản lý biển, đến nay Việt Nam chưa có một cơ quan nhà nước để quản lý tổng hợp, thống nhất về biển. Mặc dù ở cấp Trung ương gần đây đã có Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng công tác quản lý nhà nước vẫn còn hạn chế.
Hiện nay, có tới 15 bộ, ngành cùng tham gia quản lý biển nên còn tình trạng chồng chéo, trong khi nhiều khâu lại bị bỏ trống. Ở các địa phương chưa có bộ máy tổ chức đủ mạnh để quản lý biển thống nhất nên vẫn rất lúng túng trong công tác quản lý biển.
Suất đầu tư cho phát triển kinh tế biển thường cần nguồn vốn lớn, đồng bộ, lâu dài trong khi đó nguồn đầu tư cho ngành kinh tế này vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực để khai thác kinh tế biển của chúng ta hiện vẫn còn thiếu, yếu. Số lượng chuyên gia chuyên về kinh tế biển hiện “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Quốc gia biển phải vươn ra biển, làm giàu từ biển
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Đất nước ta là quốc gia biển lớn ven bờ biển Đông, vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế biển nhưng để khai thác tiềm năng này trước tiên cần phải làm rõ “triết lý phát triển biển”.
Cảng biển- một trong những thế mạnh của Việt Nam. Trong ảnh: Cảng Cát Lái ở TP Hồ Chí Minh.
Nếu chúng ta tìm đúng triết lý phát triển trong bối cảnh biển Đông thì sẽ dẫn đất nước chúng ta đi rất dài, quan trọng hơn cả giúp chúng ta chủ động xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước một cách vững chắc.
Trong Chiến lược biển Việt Nam 2020, Đảng và Nhà nước đã xác định rất rõ vị trí của ngành thủy sản và những yêu cầu định hướng đối với ngành thủy sản trong bối cảnh biển Đông.
Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi để khai thác kinh tế biển có hiệu quả thì phải chọn một khâu đột phá để phát triển.
Một ví dụ điển hình là Singapore đã chọn phát triển cảng làm khâu đột phá để khai thác kinh tế biển hay bài học từ việc phát triển ngành khai thác dầu khí của chúng ta thành công là một kinh nghiệm quý để triển khai thực hiện các lĩnh vực khác. Có như thế mới tập trung đầu tư và đầu tư hiệu quả, và mới sớm hình thành ngành công nghiệp biển.
Riêng về lĩnh vực khai thác thủy hải sản hiệu quả không chỉ cần tàu to, hiện đại mà cần phải có đội ngũ nhân lực phù hợp, được đào tạo bài bản.
Cùng với đó, công tác hậu cần, công tác dự báo ngư trường rất quan trọng và phải đi trước một bước để góp phần giảm chi phí đánh bắt, tăng lợi nhuận.
Để đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chúng ta phải xây dựng được một nền công nghệ biển hiện đại; phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có một phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm được an ninh chủ quyền vùng biển.
Trong đó, phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển đang còn là những vấn đề mới mẻ đối với không chỉ các nhà khoa học và quy hoạch, mà còn đối với nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam.
Quản lý tổng hợp biển theo không gian đòi hỏi xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển và giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau, trong đó quan hệ giữa các mảng không gian cho phát triển kinh tế biển và tổ chức không gian biển hợp lý cho phát triển kinh tế biển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần đi trước một bước.
Công cụ cơ bản giúp tổ chức hợp lý không gian biển cho phát triển bền vững là quy hoạch không gian biển (marine spatial planning- MSP).
Tiếp theo là hệ thống cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư xây dựng phát triển kinh tế biển.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh: Muốn trở thành cường quốc biển cần có phương tiện, trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các hoạt động khai thác biển. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể sử dụng biển, các bộ, ngành sẽ tiến hành xây dựng các quy hoạch khai thác sử dụng biển phù hợp để tránh tình trạng chồng chéo, tạo ra xung đột không gian và gây lãng phí.
Cùng với đó là việc đào tạo cho đội ngũ nhân lực để phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế biển; dầu khí, du lịch…và ngư dân. Việt Nam là “quốc gia biển” vì thế phải vươn ra biển, làm giàu từ biển!
Việt Nam là quốc gia lớn ven bờ biển Đông với chỉ số biển (khoảng 0,01) cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu. Việc đặt biển vào vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước như tinh thần Nghị quyết 09/2006/NQ-TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 hoàn toàn là một hướng đi đúng, một cách nhìn xa, trông rộng.
Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp 30- 35% GDP trong khối nông- lâm- ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8- 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8- 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5- 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65- 70% tổng sản lượng. Tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay; trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo.