Báo cáo của Tổng cục Thủy sản – Bộ NNPTNT cho thấy, vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ của cả nước với diện tích sản xuất trên 621.000ha, chiếm 91,2% diện tích nuôi tôm cả nước; sản lượng đạt 484.000 tấn, chiếm trên 80% sản lượng cả nước.
Riêng mô hình lúa – tôm đã được các tỉnh ĐBSCL áp dụng khá lâu và rất hiệu quả, kể cả trên cây lúa lẫn con tôm. Diện tích đối với mô hình canh tác này lên đến 152.977ha, tăng 2,5 lần so với năm 2000. Các tỉnh có diện tích canh tác theo mô hình này nhiều nhất là Kiên Giang 77.860ha, Cà Mau 42.000ha, Bạc Liêu trên 29.400ha. Đặc biệt trong đợt nắng nóng, khô hạn xâm nhập mặn vừa qua khiến nhiều diện tích lúa bị thiệt hại khiến người dân tự chuyển đổi đất lúa sang mô hình tôm – lúa rất lớn.
Các diễn giả, các nhà khoa học cho rằng, sau hơn 15 năm áp dụng mô hình lúa – tôm, một số giống lúa có khả năng chịu mặn đã thoái hóa, cần được nghiên cứu cho phù hợp hơn; năng suất tôm nuôi của mô hình này còn thấp, khả năng tăng thêm là rất lớn nếu áp dụng khoa học kỹ thuật triệt để.
Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - cho rằng, đây là mô hình bền vững cần được tiếp tục nghiên cứu nhân rộng ở những nơi có điều kiện. Do mô hình canh tác có tính đặc thù nên cần nghiên cứu cả cây lúa lẫn con tôm, đặc biệt các khâu kỹ thuật canh tác lúa sao cho hạn chế sử dụng thuốc BVTV để không làm ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Được biết, Cục Trồng trọt, Trung tâm Giống quốc gia cũng đang nghiên cứu các bộ giống mới phù hợp với mô hình canh tác này nhằm nâng cao hiệu quả, giảm rủi ro đem đến thu nhập cho người nuôi; các cơ quan thuộc Bộ NNPTNT và các địa phương cũng xây dựng quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học, đạt chuẩn xuất khẩu, tạo vùng nguyên liệu sạch bệnh cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trong vùng.