PV có cuộc trao đổi với ông Võ Nam Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa.
Không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài
Thưa ông, thời gian qua tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” ra sao?
Khánh Hòa đã vào cuộc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Thủy sản, hướng dẫn liên quan và quy định về chống khai thác IUU đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp thu mua hải sản.
Từ ngày 10/4/2018, tỉnh đã thành lập 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá như: Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh đi vào hoạt động. Tính đến 15/8, các văn phòng đã kiểm tra được 3.749 lượt tàu xuất bến và 3.231 lượt tàu nhập bến; với tổng sản lượng kiểm tra qua các văn phòng là 15.444 tấn.
Ngành Thủy sản cũng đã tiến hành xác nhận nguyên liệu thủy sản cho 215 lô hàng, với sản lượng hơn 14.500 tấn; cấp chứng nhận thủy sản khai thác cho 878 lô hàng xuất khẩu (trong đó có 623 lô hàng xuất sang thị trường châu Âu), với tổng sản lượng hơn 8.100 tấn.
Bên cạnh đó, để giúp công tác truy xuất nguồn gốc được rõ ràng, góp phần vào nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” của EC, Khánh Hòa đã tổ chức được 3 chuỗi liên kết khai thác, thu mua, tiêu thụ cá ngừ giữa các DN chế biến thủy sản với các tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn tỉnh. Đến nay các mô hình trên đã đi vào hoạt động ổn định, tổng số tàu tham gia hơn 150 tàu.
Về công tác thu hồi, lắp đặt máy Movimar, đến nay tỉnh đã thu hồi bàn giao máy Movimar cho Đài Thông tin duyên hải Nha Trang và đã báo cáo Tổng cục Thủy sản. Về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đến nay có 58 tàu cá đã lắp đặt (trong đó có 24 tàu chiều dài từ 24 mét trở lên).
Ngoài ra, hiện tỉnh còn có 85 tàu đã đăng ký với Đài Thông tin duyên hải Nha Trang và một số đơn vị cung cấp khác để được lắp đặt. Qua theo dõi và thông tin từ các chủ tàu thì thiết bị đang hoạt động ổn định, tự động báo cáo vị trí tàu theo tần suất 2h/lần, truy xuất được các dữ liệu, báo cáo theo quy định.
Về đảm bảo ATTP cho tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tổ chức kiểm tra thực hiện. Đồng thời hướng dẫn Trung tâm quản lý khai thác các công trình thủy sản thực hiện các giải pháp để đảm bảo điều kiện ATTP tại các cảng cá.
Tỉnh cũng đang hoàn thiện hoạt động của 8 nghiệp đoàn nghề cá, 70 tổ hợp tác nghề cá, gồm 623 tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa giúp ngư dân hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển và nhắc nhở nhau không vi phạm quy định IUU.
Nhờ vậy từ tháng 10/2018 đến nay Khánh Hòa không có tàu cá nào vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Đã khắc phục những tồn tại
Vừa qua, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đi kiểm tra thực tế tại cảng Hòn Rớ và làm việc với tỉnh chỉ ra những tồn tại, hạn chế về số liệu hồ sơ ghi chép nhật ký chưa chính xác, hồ sơ lưu trữ rất lộn xôn, cũng như trang thiết bị phục vụ, lực lượng mỏng không đảm bảo việc kiểm soát tàu cá ra vào, vậy tỉnh đã triển khai khắc phục chưa, thưa ông?
Tỉnh đã ghi nhận và chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai ngay việc khắc phục. Và, ngày 13/8 vừa qua Sở NN-PTNT đã mời các đơn vị liên quan họp và chỉ đạo thực hiện các giải pháp khắc phục những vấn đề này. Sở cũng đã báo cáo UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí để nâng cấp sửa chữa văn phòng đại diện cũng như trang thiết bị máy móc để phục vụ truy cập các giữ liệu ngay tại cảng.
Bên cạnh đó, do phần mềm quản lý tàu cá Vnfisbase chưa được phân quyền người dùng, để đảm bảo an toàn dữ liệu tàu cá, Chi cục Thủy sản đã kết xuất thông tin dữ liệu tàu cá từ phần mềm quản lý Vnfisbase sang file Excel và cập nhật đầy đủ lên trang Web của Sở NN-PTNT. Tất cả có thể tra cứu thông tin thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Ngành thủy sản cũng đã cấp tài khoản quản lý giám sát hành trình tàu cá cho các đơn vị liên quan, để đối chiếu thực hiện việc xác nhận nguồn gốc được nhanh chóng kịp thời, chính xác.
Chúng tôi cũng đã tổ chức sắp xếp, lưu trữ hồ sơ xác nhận nguồn gốc một cách khoa học như thư viện, đảm bảo cung cấp các hồ sơ truy xuất một cách nhanh chóng nếu đoàn EC yêu cầu. Ngoài ra, chúng tôi đã kiểm tra hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ ATVSTP tại các cảng cá, tàu cá và các cơ sở trong cảng cá. Đồng thời bố trí tăng cường nguồn lực lên 6 người thường trực thường xuyên tại văn phòng để thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá rời cảng và cập cảng lên cá.
Có thể nói đến nay, các tồn tại hạn chế mà đoàn công tác Bộ NN-PTNT chỉ ra chúng tôi đã khắc phục.
Như vậy nếu đoàn công tác EC chọn Khánh Hòa để kiểm tra các khuyến nghị, theo ông, tỉnh đã sẵn sàng hay còn có những kiến nghị, đề xuất gì nữa để Bộ ngành Trung ương cùng tháo gỡ?
Hiện nay các khuyến nghị của EC chúng tôi cơ bản đã khắc phục và sẵn sàng đón Đoàn EC vào kiểm tra. Tuy nhiên không phải vì thế mà tỉnh lơ là mà chúng tôi vẫn tiếp tục chỉ đạo đôn đốc các đơn vị tiếp tục tích cực củng cố, khắc phục các nội dung của EC yêu cầu. Trong đó đối với Trung tâm Quản lý khai thác các Công trình thủy sản tiếp tục rà soát, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ xác nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định. Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản kiểm tra hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ ATVSTP các cơ sở liên quan…
Xin cảm ơn ông!