Đoàn Khảo sát gồm: ông Đặng Đức Thành - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp tỉnh, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn và bà Phạm Thị Ánh - cố vấn khoa học cho Công ty TNHH khoa học TSL tại TP. Hồ Chí Minh cùng ông Đoàn Hữu Lượng - Giám đốc Công ty vừa đến khảo sát mô hình nuôi tôm sạch ở ấp An Ninh, xã An Qui của anh Đào Phước Xoàn, xã An Thạnh.
Mục đích của việc khảo sát là xem cách làm của anh Xoàn, giúp phác thảo thành kế hoạch để tiếp cận được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh thông qua Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, nghiên cứu để phát triển mô hình nuôi tôm hữu cơ tại Thạnh Phú mà huyện đang đề xuất.
Đoàn khảo sát quy trình nuôi từ giống, nguồn nước, thức ăn, cách xử lý nước, môi trường nuôi…Qua đó, có sự tư vấn cho anh Xoàn có quy trình chuẩn để đạt chuẩn tôm hữu cơ.
Được biết, nhằm định hướng sản xuất tôm thẻ chân trắng trên địa bàn chuyển dịch theo hướng hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, giải quyết đầu ra ổn định cho con tôm anh Đào Phước Xoàn đã xây dựng hệ thống ao nuôi tôm theo hướng hữu cơ. Mô hình nuôi tôm sạch này của anh đã được thực hiện từ năm 2017 và cho hiệu quả cao.
Theo đó, hệ thống nuôi của anh gồm có 4 ao: ao vèo, ao thương phẩm, ao cá và ao lắng. Giữa ao thương phẩm và ao cá thông với nhau nên cá sẽ ăn những tạp chất từ ao thương phẩm, giúp cải thiện môi trường ao nuôi.
Anh không sử dụng thuốc mà chủ yếu dùng các loại cây cỏ để trị bệnh cho tôm như: cỏ mực, rau mơ, lá ổi, cây trứng cá…Đồng thời, anh dùng chuối xiêm để trộn vào thức ăn cho tôm và bổ sung vitamin bằng các loại trái cây như: đu đủ, xoài, khóm… qua ủ lên men.
Ngoài ra, anh Xoàn còn kết hợp máy cho ăn tự động có cài thêm bộ hẹn giờ, cứ đến giờ thì máy tự cho tôm ăn vừa giúp cho ăn thuận tiện vừa hạn chế thức ăn dư thừa bằng cách cho ăn ít nhưng nhiều lần, giúp tôm ăn đều, ăn hết mà không bị dư thức ăn.
Bước đầu, đoàn góp ý: Trong nuôi tôm cần có nhật ký sản phẩm, theo dõi chặt về môi trường, giống, thức ăn; khi tôm thành phẩm cần phải kiểm tra có nhiễm kháng sinh, kim loại nặng và các chất tồn dư…