Trong những năm qua, huyện Gio Linh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh khai thác, đánh bắt thủy hải sản và đầu tư phát triển ngành nghề, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch dọc tuyến biển. Các địa phương vùng biển đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân về mọi mặt để họ yên tâm vươn khơi, đánh bắt xa bờ, làm giàu từ biển. Hàng năm, huyện phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện giúp ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, phát triển nghề khai thác thủy hải sản. Nhờ đó các địa phương và người dân vùng biển đã đầu tư mua sắm, nâng cấp, cải hoán tàu, thuyền, tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ, ngư lưới cụ hiện đại phù hợp với từng loại ngư trường, phát triển các nghề mới.
Đến nay, toàn huyện có 672 tàu, thuyền với tổng công suất 35.762 CV, trong đó, có 146 tàu xa bờ, tăng 132 tàu xa bờ so với năm 2005. Tổng sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản tăng mạnh qua từng năm, năm 2013 đạt 13.353 tấn, tăng 12.937 tấn so với năm 2005. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá đáp yêu cầu phát triển ngành thủy sản. Huyện Gio Linh hiện có 140 cơ sở chế biển hải sản, đưa vào chế biến trên 2.500 tấn thủy sản, sản xuất 29.000 lít nước mắm, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Bên cạnh đó, thị trấn Cửa Việt còn đặc biệt chú trọng đến phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá với việc phát triển nhiều đội thu mua trực tiếp trên biển và 49 cơ sở chế biến hấp sấy hải sản. Trong 2 năm 2012-2013, chế biến cá khô khoảng 5.200 tấn và chế biến mắm chợp 2.500 tấn. Thu nhập bình quân mỗi lò sau khi trừ chi phí đạt 150-250 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động, thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, thị trấn còn có 10 kho ướp đông lạnh cá các loại, 1 cơ sở sửa chữa tàu thủy, 5 cơ sở cung ứng xăng dầu, 5 cơ sở sản xuất nước đá…
Hiện nay ở thị trấn Cửa Việt có nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển tàu công suất lớn, khai thác, đánh bắt thủy sản có hiệu quả ở các ngư trường lớn như Bạch Long Vĩ, Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo... với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Võ Lới, 60 tuổi, ở khu phố 2, một trong những gương điển hình vươn khơi xa, đánh bắt hiệu quả cho biết: “Nhiều năm đứng ở đầu sóng, ngọn gió, tôi hiểu nghề đánh bắt gần bờ, sử dụng phương tiện thô sơ, dựa vào kinh nghiệm thì hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ muốn làm giàu từ nghề biển, chỉ có cách dồn toàn tâm, toàn lực để đầu tư nâng cấp tàu thuyền công suất lớn, ngư lưới cụ hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đánh bắt xa bờ”. Từ suy nghĩ đó, năm 2004, ông quyết định bán chiếc tàu thuyền công suất 90 CV để mua 2 tàu thuyền công suất 250 CV và 400 CV. Hiện nay, thu nhập bình quân hàng năm của ông đạt hàng tỷ đồng, nổi bật nhất là năm 2013, đạt trên 2,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 25 lao động, với thu nhập 100 triệu đồng/người/năm.
Được biết trong tháng 6/2014, ông sẽ đầu tư mua thêm tàu thuyền có công suất 600-700 CV, cải tiến ngư lưới cụ và kỹ thuật đánh bắt, trang bị các máy móc hiện đại… để đánh bắt ở nhiều ngư trường lớn hơn. Còn ông Hồ Duy Đạo chia sẻ: “Muốn thực hiện những chuyến đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả kinh tế cao, những yếu tố quan trọng, quyết định thành công cần phải có chính là kinh nghiệm, năng lực, ý chí bền vững của thuyền trưởng, thuyền viên, công suất tàu lớn, hệ thống thông tin liên lạc, tầm ngư tốt, ngư lưới cụ hiện đại, phù hợp ”.
Minh chứng cho điều ông nói chính là chiếc thuyền có công suất 380 CV đánh bắt ở nhiều ngư trường lớn, với thu nhập bình quân trên 2 tỷ đồng/năm. Những thành công từ những chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày với đầy ắp cá, mực… trên mạn thuyền của ông Võ Lới, Hồ Duy Đạo và nhiều tấm gương khác đã thắp sáng niềm tin cho nhiều gia đình khác quyết tâm thực hiện ước mơ vươn khơi xa. Đây chính là động lực, đòn bẩy quan trọng để người dân tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển các tàu đánh bắt xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế biển Gio Linh phát triển.