Một mối quan hệ cộng sinh hấp dẫn
Cá ngọc trai (tên tiếng Anh là Pearlfish) sở hữu hình dáng cơ thể thon dài khoảng chừng 15,2cm. Với bề mặt da nhẵn không vảy và có màu trong mờ nên loài cá này được gọi là cá ngọc trai.
Chúng thường sống ở độ sâu tới 2000m tại Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Loài cá có tên gọi xinh đẹp này là loài rất dễ tổn thương bởi dường như xung quanh chúng lúc nào cũng có rất nhiều “cặp mắt” chực chờ và rình rập.
Để sinh tồn, loài cá này tận dụng ưu thế hình thể để thực hiện những “phi vụ đen tối” với một sinh vật khác mà “kẻ được chọn” chính là hải sâm.
Hải sâm (tên tiếng Anh là Sea cucumber) hay còn gọi là dưa chuột biển có hình dáng trông giống như một cái ống cỡ đại có một đầu (miệng) hút cát và một phần cuối (hậu môn) để tiêu hóa và hô hấp. Hầu hết thời gian, chúng nằm ở đáy đại dương để kiếm ăn.
Để chui tọt vào “hầm trú ẩn”, cá ngọc trai sẽ phải chớp lấy thời cơ ngay lúc hải sâm đang “xả” chất thải hay hô hấp bằng cách lấy nước qua hậu môn để chui vào cơ thể hải sâm thông qua hậu môn. Và chúng sẽ ở đó cho đến khi màn đêm buông xuống.
Trên thực tế, đây được đánh giá là một mối quan hệ cộng sinh hấp dẫn vì cả hai sinh vật đều có lợi:
- Về phía cá ngọc trai, nhờ lẩn trốn bên trong cơ thể của hải sâm, cá ngọc trai được bảo vệ khỏi nguy hiểm từ các kẻ săn mồi cũng như sự biến động của môi trường khắc nghiệt.
- Về phía hải sâm, sự tồn tại của cá ngọc trai bên trong cơ thể mà những ký sinh trùng hay mảnh vụn chất thải được loài cá này “dọn dẹp”. Điều này góp phần cải thiện sức khỏe của hải sâm.
Tại sao cá ngọc trai lại chọn cơ thể hải sâm làm nơi trú ẩn?
Có rất nhiều nguyên nhân để mối quan hệ cộng sinh có phần kỳ quặc này diễn ra. Trong số đó, có thể kể đến một vài điểm nổi bật như:
Thứ nhất, hải sâm không phải thức ăn của hầu hết các loài động vật săn mồi; do đó, lẩn tránh trong cơ thể của hải sâm sẽ giúp cá ngọc trai an toàn.
Thêm nữa, lợi dụng tính cách thụ động và có vẻ hiền lành của hải sâm mà nhiều con cá ngọc trai sẽ “giở trò” bằng cách ở lì trong đó và chỉ chịu ra ngoài khi kiếm ăn hay chia sẻ chỗ trú ẩn này với đồng loại của chúng.
Trong nhiều trường hợp, hải sâm cũng vô cớ bị tấn công và có nguy cơ bị mất nội tạng hay tuyến sinh dục. Mặc dù loài hải sâm có khả năng tự đào thải để tống cá ngọc trai ra ngoài và kèm theo cả nội tạng rồi sau đó lẩn trốn. Sau khoảng 20 ngày, hải sâm sẽ tái tạo nội tạng mới.
Dĩ nhiên không phải loài hải sâm nào cũng khoan nhượng và chấp nhận thỏa hiệp với cá ngọc trai. Do đó, chúng đã tiến hóa một bộ răng ở hậu môn để trực tiếp thông báo với những chú cá “cư trú bất hợp pháp” rằng chúng đã bị cấm cửa hoàn toàn.
Thoạt đầu, mối quan hệ cộng sinh này có vẻ khá bất thường; tuy nhiên, đây là kết quả của quá trình thích nghi tiến hóa. Nhờ có đó mà cả cá ngọc trai và hải sâm đều có các đặc điểm giúp chúng tăng cường khả năng tồn tại và phát triển trong điều kiện môi trường ngày càng biến đổi.