Trần Ngọc Thương sinh ra và lớn lên tại làng chài ven biển. Tuổi thơ của anh rất khó khăn. Học hết lớp 5, anh phải nghỉ học để phụ giúp gia đình làm nghề khai thác hải sản. Sớm trải qua nhiều vất vả, anh luôn thường trực suy nghĩ một ngày nào đó có thể chuyển đổi nghề để cuộc sống khá hơn.
Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp, anh Thương cho hay, năm 2014, anh tình cờ gặp một thương lái bán rong nho tại địa phương, thấy sản phẩm khá lạ, anh bắt đầu tìm hiểu và nhận ra cây rong nho có nhiều tiềm năng để phát triển.
Qua tìm hiểu, anh được biết, rong nho là món ăn dinh dưỡng quý, có thể bổ sung, thay thế cho rau xanh. Sản phẩm rong nho có thể chế biến thành rong nho tươi, rong nho khô, rong nho bột, gia vị làm từ rong nho… Rong nho chứa nhiều khoáng chất như protein, canxi, magie, kali, natri. Đặc biệt là iốt, sắt, vitamin A, phòng chống các bệnh suy dinh dưỡng, thiếu máu. Rong nho được thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…ưa chuộng.
Sản phẩm rong nho tươi.
Anh quyết định dành toàn bộ số tiền 400.000 đồng tích lũy để bắt đầu kinh doanh. Lúc đầu, anh chỉ mua rong nho rồi bán lại cho các mối mua lẻ và làm thêm các công việc khác để trang trải cuộc sống.
Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây rong nho mang lại khá cao, anh tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây rong nho rồi quyết định đầu tư 10 triệu đồng mua giống trồng thử nghiệm.
Nhờ thời tiết thuận lợi, vụ đầu tiên, cây rong sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Sau một năm, nhận thấy tại địa phương có thể tận dụng thêm hồ chứa nước biển của các công ty làm muối để mở rộng diện tích trồng cây rong nho, anh bắt đầu liên kết với nhiều hộ dân vận chuyển giống rong thả nuôi.
Đến năm 2018, diện tích mặt trước trồng rong nho tự nhiên mở rộng của anh đã lên hơn 50 ha. Hiện nay, anh Thương vừa nuôi trồng vừa liên kết sản xuất với hơn 30 hộ dân, mỗi ngày anh thu mua khoảng 500-700 kg rong tươi của các hộ dân, giá bình quân khoảng 35.000 đồng/kg rong tươi. Sau đó, rong tươi được đưa tới bể tẩy lọc chất bẩn, rồi chuyển vào máy quay ly tâm làm ráo nước và đóng gói, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 300 - 500 kg rong nho đã sơ chế. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Thương có lãi trên dưới 300 triệu đồng.
Hiện nay, bên cạnh việc phát triển sản xuất, anh Trần Ngọc Thương đang có kế hoạch thành lập Hợp tác xã sản xuất rong nho để liên kết với các hộ dân mở rộng diện tích sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo hướng bền vững.
Ông Lê Lúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cà Ná cho biết, mô hình khởi nghiệp trồng rong nho và bao tiêu sản phẩm của anh Thương bước đầu cho thấy hiệu quả khá cao. Anh Thương vừa tự nuôi trồng vừa tận dụng được diện tích ao, đìa ở địa phương để phát triển cây rong nho. Mô hình không những giúp anh Thương làm giàu mà còn tạo việc làm cho nhiều hộ dân ở địa phương.
Dù giá rong nho luôn dao động nhưng anh Thương vẫn sẵn sàng thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân cùng làm với giá ổn định, tạo thu nhập, góp phần cải thiện đời sống người dân vùng biển Cà Ná. Thời gian tới, địa phương kiến nghị ngành chức năng có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân vùng biển nhân rộng mô hình này, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để nâng cao thu nhập cho người dân, ông Lúc cho hay.
Cây rong nho rất dễ trồng, chi phí đầu tư ban đầu khá thấp, có thể tận dụng các đầm, đìa nuôi tôm không sử dụng để đưa vào trồng, trung bình 1 sào (1.000 m2) cấy khoảng 1 tấn rong, càng cấy thưa sẽ tạo không gian cho cây rong nho phát triển. Khoảng 20 ngày sau khi cấy giống là có thể thu hoạch rong nho, đặc biệt, trồng một lần có thể thu hoạch lâu dài. Không chỉ cho giá trị kinh tế cao, cây rong nho còn góp phần bảo vệ, cải tạo môi trường nước ở các vùng nuôi trồng thủy sản đang bị ô nhiễm.