Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, người dân Viêt Nam chưa gọi bất kể một con rùa sống nào là… “cụ” cả. Còn những ai gọi “cụ” rùa thì đó chỉ là quan niệm riêng của người ấy thôi.
Lý giải thêm về nhận định của mình, Giáo sư Trần Lâm Biền nhấn mạnh, nếu có là quý hiếm trên thế giới này thì rùa Hồ Gươm cũng không được xét là Bảo vật quốc gia mà nó chỉ trở thành một con vật đặc biệt phục vụ cho nghiên cứu. Đừng lầm lẫn chuyện này và nhất là nó không dính dáng gì đến với văn hóa. Bởi vì những gì bám với văn hóa thì nó phải mang tính chất văn hóa, mang tính chất như bảo vật thì phải có giá trị biểu tượng.
“Cần phải hiểu rằng nếu Bảo vật quốc gia là bảo vật sinh vật chứ không dính dáng đến bảo vật văn hóa thì đừng nên làm ồn ào xã hội lên đến như vậy. Đó là chưa kể đến việc Hội đồng khoa học của sinh vật họ chưa có ý kiến gì hay người ta mới chỉ kết luận đây là giống riêng.
Chưa kể giống riêng này đã đủ tư cách chưa mà đã đưa lên lãnh đạo cấp thành phố, lên thành ủy thì điều đó hoàn toàn không nên. Trước hết, hãy đi theo đúng tính chất khoa học là các nhà khoa học cần phải có ý kiến. PGS.TS Hà Đình Đức gọi là “cụ” rùa đồng nghĩa với việc đã tự đặt mình ra ngoài giới khoa học”, Giáo sư Trần Lâm Biền chia sẻ về đề xuất “cụ” rùa Hồ Gươm là Bảo vật quốc gia gần đây.
Rùa Hồ Gươm
Cũng liên quan đến đề xuất đưa “cụ” rùa Hồ Gươm thành Bảo vật quốc gia, một ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia đã nói: “Rùa trong hồ đang thực thể sống. Tiêu bản rùa cũng chưa thấy có thể ăn theo tiêu chí gì. Mình cũng không có cớ gì bảo từ thời Lê Lợi. Nếu nó là giống quan trọng thì nó phải vào sách đỏ động vật quý hiếm chứ không phải đưa vào Bảo vật quốc gia”.
Tuy nhiên, bảo vệ chính kiến của mình về đề xuất “cụ” rùa Hồ Gươm là Bảo vật quốc gia, PGS.TS Hà Đình Đức đã trả lời trên một tờ báo mạng rằng: “Rùa hồ Gươm phải nói là quá xứng đáng chứ có gì đâu. Trong luật Di sản quy định tiêu chí, mình chọn các cái này ra thì xem nó chạm vào cái nào. Nó là hiện vật gốc độc bản.
Nó liên quan đến truyền thuyết “Hoàn Kiếm” của vua Lê sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập cho cho giang sơn Đại Việt vào thế kỷ 15. Nó là truyền thuyết nhưng nó lại mang tính chất văn hóa tâm linh. Cái này phải nói là quá độc đáo, chứ không phải độc đáo. Không thể quá cứng nhắc”.