Cá tra là một trong những mặt hàng có "tiền sử" bị kiện chống bán phá giá
Theo luật sư William H. Barringer, cố vấn pháp lý của các DN trong vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam tại Hoa Kỳ, đồng thời là cố vấn pháp lý cho Chính phủ Việt Nam trong vụ kiện ra WTO đầu tiên của Việt Nam, do tính chất cạnh tranh giữa các ngành hàng tại thị trường Hoa Kỳ ngày một tăng, nên các DN Việt Nam, nhất là thuộc các ngành hàng: tôm đông lạnh, cá tra, da giày… có xác suất bị phía Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp khá cao.
Luật sư William H. Barringer cho biết, hệ thống tòa án tại Hoa Kỳ độc lập với Chính phủ, tòa án thường xuyên đưa ra các phán quyết bác bỏ các quyết định của cơ quan hành chính Hoa Kỳ. Các thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời, trừ trường hợp mắc tội phản quốc hoặc các tội danh hình sự, nên họ có quyền lực thực sự trong việc buộc các cán bộ thuộc hệ thống cơ quan hành chính phải chấp hành các phán quyết của tòa án.
Với đặc thù trên, các DN Việt Nam có thể tự tin khi đưa vụ kiện ra hệ thống tòa án của Hoa Kỳ, một khi đủ bằng chứng và lý lẽ chứng minh phía Hoa Kỳ đang vi phạm các quy định về chống bán phá giá. Tuy nhiên, có một điều DN cần đặc biệt lưu ý là tùy tính chất của vụ kiện mà đưa ra tòa án của Hoa Kỳ hay WTO, thì sẽ có phán quyết có lợi hơn. Điều này xuất phát từ thực tế, nhiều quy định của pháp luật Hoa Kỳ không phù hợp với các quy định của WTO.
Giải đáp câu hỏi của đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), căn cứ vào đâu để DN Việt Nam nên đưa vụ kiện ra tòa án của Hòa Kỳ hay WTO, để có được phán quyết có lợi, luật sư William H. Barringer cho hay, có nhiều yếu tố cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chọn kênh giải quyết vụ kiện qua WTO hay tòa án Hoa Kỳ. Trong đó, điều quan trọng là các DN cần phân tích cụ thể vụ việc, để phân định xem các quy định pháp lý của Hoa Kỳ làm căn cứ phân xử vụ kiện có phù hợp với WTO hay không. Nếu có thì nên chọn hệ thống tòa án của Hoa Kỳ và ngược lại.
"Việc Việt Nam kiện Hoa Kỳ ra WTO vì áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tôm đông lạnh và giành thắng lợi năm ngoái là một kinh nghiệm quý", luật sư William H. Barringer nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) lưu ý, khi nhận thấy ngành hàng của mình bị tác động tiêu cực do phía Hoa Kỳ, hay các đối tác thương mại khác áp dụng các biện pháp chống bán phá giá phi lý, thì các DN cần chủ động lên tiếng và chuẩn bị biện pháp đáp trả khôn khéo. Theo đó, các DN cần dành nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ trước khi khởi kiện. Trong đó, cần sự vào cuộc của các hiệp hội ngành hàng, nhằm thu thập các bằng chứng đủ sức nặng và có hệ thống, thì mới có nhiều cơ hội thắng kiện.
Một kinh nghiệm không kém phần quan trọng nữa, theo luật sư William H. Barringer, là khi DN Việt Nam đề nghị Chính phủ đưa vụ kiện ra WTO hay hệ thống tòa án Hoa Kỳ, các DN cần thường xuyên cập nhật thông tin, bằng chứng trung thực vào hồ sơ vụ kiện cho các cơ quan Chính phủ, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình diễn ra vụ kiện.