Nuôi cá lồng trên biển
Khoảng năm 1997, xã Nam Du (Kiên Hải) xuất hiện một vài mô hình nuôi rọng tôm tích, cá mú, cá bớp... trong lồng bè của ngư dân. Trong số này, cá mú và cá bớp tăng trọng lượng khá nhanh, bán được giá cao trên thị trường. Điều này mở ra nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở huyện đảo Kiên Hải.
Ông Lương Quốc Bình, Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, cho biết: Nuôi rọng tôm tích, cá mú, cá bớp mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều ngư dân nhận ra đây là “chiếc cần câu” vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống, trụ vững cùng biển đảo quê hương.
Trong 2 năm (2005 - 2006), huyện thực hiện thí điểm thành công mô hình “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi cá mú, cá bớp bằng lồng bè trên biển tại huyện đảo Kiên Hải” chuyển giao cho ngư dân, ứng dụng vào thực tế nuôi cá. Nhiều ngư dân nuôi cá theo đúng quy trình này thành công ngoài mong đợi tạo thêm động lực, niềm tin cho họ mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển trở thành một trong những thế mạnh, tiềm năng kinh tế của huyện đảo Kiên Hải.
Hiện nay, mô hình nuôi cá lồng bè ở Kiên Hải phát triển mạnh trên 4 xã là Nam Du, An Sơn, Lại Sơn và Hòn Tre với khoảng 200 hộ nuôi cá mú, cá bớp với gần 600 lồng bè, sản lượng thu hoạch trên 270 tấn/năm. Nhiều ngư dân cho biết, sau 10 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng trên dưới 1 kg/con. Nhờ nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên dồi dào, cá ít bệnh tật, giá bán trên thị trường luôn trên 100.000 đồng/kg nên lợi nhuận khá cao.
Nghề nuôi cá lồng bè trên biển đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân huyện đảo Kiên Hải, không những giải quyết công ăn việc làm ổn định cho trên 1.200 lao động ở địa phương mà còn giúp họ xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều hộ ngư dân như: ông Đinh Văn Trung, Nguyễn Thiện Hải, bà Võ Thị Mỹ Trang (Nam Du); Nguyễn Văn Thoại, Huỳnh Văn Na (An Sơn); ông Đoàn Hồng Chức, Đoàn Hoài Di (Hòn Tre)... lợi nhuận hàng năm 100 triệu đồng/hộ trở lên từ nghề nuôi cá lồng bè trên biển.
Nghề nuôi cá lồng bè phát triển còn tạo nội lực cho những ngành nghề khác phát triển như: dịch vụ du lịch, thương mại,... Bởi những nơi nuôi cá lồng bè trên biển ở huyện đảo Kiên Hải còn là điểm thu hút khách tham quan du lịch như: Nam Du, Hòn Tre... Du khách đến đây vừa chiêm ngưỡng nét đẹp “Hạ Long thứ hai” nơi vùng biển Tây Nam Tổ quốc, tận mắt chứng kiến nghề nuôi cá lồng bè của ngư dân được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng vừa thưởng thức hương vị biển đậm đà từ hải sản tươi sống chế biến tại chỗ theo yêu cầu của khách...
Nuôi cá lồng trên biển
Ông Lương Quốc Bình, Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, nói: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Kiên Hải xác định nghề nuôi cá lồng bè trên biển là một trong những tiềm năng, thế mạnh kinh tế mũi nhọn cần tập trung đầu tư khai thác. Huyện có nhiều chủ trương khuyến khích, nhân rộng và phát triển mạnh nghề này trong dân, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư nuôi cá. Phấn đấu đến năm 2015, huyện đảo Kiên Hải đạt sản lượng nuôi cá lồng bè 600 tấn/năm trở lên.
Trên cơ sở đó, huyện kết hợp với các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh công tác khuyến ngư, hướng dẫn tập huấn kỹ thuật nuôi, cách phòng và điều trị bệnh cho cá, chuyển giao công nghệ, ứng dụng quy trình khoa học kỹ thuật vào nuôi cá để tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản xuất.
Song song đó, huyện sẽ tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm ổn định theo hướng vừa cung cấp tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu. Đồng thời quy hoạch chi tiết gắn với quản lý vùng nuôi nhằm phát triển nuôi cá lồng bè trên biển ở Kiên Hải bền vững, tránh tình trạng nuôi cá tự phát tràn lan, ảnh hưởng xấu đến môi trường...