Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 20.000 người tham gia đánh bắt ghẹ xanh, trong đó đa phần hành nghề lưới ghẹ. Nguồn ghẹ xanh tập trung chủ yếu ở vùng biển Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải và Phú Quốc. Đây là loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao, mỗi ký ghẹ xanh mua tại nơi đánh bắt có giá từ 120.000 - 150.000 đồng.
Nói đến ghẹ, phải kể đến khu vực xã biển Hàm Ninh (huyện Phú Quốc) vì chất lượng ghẹ ở đây ngon nhất tỉnh Kiên Giang. Mỗi ngày khi chiều về, du khách thường ra đón những ghe lưới ghẹ vừa vào bờ để mua loại đặc sản này, số còn lại cung cấp cho các nhà hàng trên huyện đảo. Theo những người hành nghề lưới ghẹ lâu năm tại đây, khoảng 8 năm trước lượng ghẹ bắt được hàng ngày nhiều gấp đôi so với bây giờ. Việc ghẹ suy giảm nghiêm trọng là do khai thác quá mức theo kiểu tận thu khi cả ghẹ nhỏ; mặt khác còn do suy giảm môi trường sống, bãi sinh sản, bãi ươn…
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT), đơn vị đã nghiên cứu đánh giá nguồn lợi ghẹ ở vùng biển Kiên Giang từ năm 2012, sản lượng khai thác ghẹ năm 2014 đạt 6.200 tấn, đã giảm 20% so với năm 2013; còn so với 2009 giảm đến 43%. Cũng vì vậy, mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã tổ chức thả hơn 2.000 con ghẹ trứng, ghẹ nhỏ trở lại vùng biển Phú Quốc. Đây là hành động thiết thực góp phần phục hồi nguồn lợi ghẹ xanh, cũng như gửi thông điệp đến cộng đồng xã hội, nhất là ngư dân trong việc đánh bắt thủy sản phải đi đôi với bảo vệ và tái tạo để khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên biển lâu dài.
Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề khai thác hải sản phát triển mạnh, trong đó khai thác ghẹ xanh là nghề truyền thống, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Từ năm 2011, WWF Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phối hợp cùng với Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang thực hiện chương trình cải tiến nghề khai thác ghẹ xanh tại Kiên Giang (dự án FIP), góp phần quản lý và bảo vệ nguồn lợi ghẹ xanh của tỉnh.
Mỗi con ghẹ mang trứng có thể đẻ từ 180.000 trứng đến 2 triệu trứng, đây là lượng trứng rất lớn để tái tạo nguồn lợi ghẹ xanh. Mỗi con ghẹ mang trứng được thả lại biển là cơ hội để nguồn lợi ghẹ xanh được phục hồi. Chính vì vậy, các ngành chức năng sẽ tiếp tục tổ chức thả ghẹ xanh xuống biển hàng năm nhằm tuyên truyền cho cộng đồng cùng giữ gìn và phát triển nguồn lợi thủy sản này.