Nghề nuôi sò huyết dưới tán rừng tại huyện An Minh phát triền từ năm 2005. Tuy nhiên, phần lớn bà con nuôi tự phát theo kinh nghiệm, năng suất đạt thấp. Khắc phục thực trạng này, Chi cục Nguồn lợi thủy sản Kiên Giang triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ vào mô hình nuôi sò huyết trong điều kiện biến đổi khí hậu ven biển rừng U Minh Thượng” tại 2 xã Đông Hưng A và Tân Thạnh.
Tham gia dự án có 14 hộ; trong đó có 7 hộ (7ha mặt nước) thuộc xã Đông Hưng A và 7 hộ (8ha đất) tại xã Tân Thạnh. Mỗi hộ được hỗ trợ không thu hồi 250.000 con sò huyết giống/ha/năm - tương đương 50% tổng lượng sò giống thả nuôi với cỡ giống 1.400 con/kg, mật độ thả nuôi 50 con/mét vuông. Dự án còn trang bị bộ dụng cụ theo dõi môi trường nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức cho người tham gia dự án tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình nuôi sò huyết tại 2 tỉnh Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhờ vậy, năm 2013, năng suất sò huyết nuôi trong rừng phòng hộ của các hộ tham gia dự án đạt bình quân 2,5 tấn/ha, năm 2014 tăng lên 3,44 tấn/ha. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Nga - Chi cục Nguồn lợi thủy sản Kiên Giang - năm 2014, các hộ dân nằm trong dự án nuôi sò huyết dưới tán rừng lãi từ 72 - 164 triệu đồng/ha; năm 2015 dự kiến tỷ suất lợi nhuận đạt từ 3,9 - 4% so tổng vốn đầu tư.
Bà Trần Thị Thúy - ngụ ấp Xẻo Lá, xã Tân Thạnh - đầu tư gần 60 triệu đồng nuôi sò huyết. Cuối vụ, bà Thúy thu được 6,5 tấn sò huyết thương phẩm, lãi hơn 226 triệu đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận 3,8% so tổng vốn đầu tư. Cùng ngụ ấp Xẻo Lá, ông Danh Út đầu tư hơn 42 triệu đồng, sau một năm nuôi, sản lượng sò huyết thương phẩm đạt 4,3 tấn, lãi 147 triệu đồng với tỷ suất lợi nhuận 3,5%.
Người nuôi còn thả cua vào vuông nuôi sò huyết (bình quân 120 con/mét vuông). Lúc cua thương phẩm đạt trọng lượng từ 200 - 400gram/con, thu hoạch bằng cách đặt gập thu tỉa. Cuối vụ thu hoạch, năng suất sò nuôi đạt 2,5 tấn/ha, cua đạt 230kg/ha. Nuôi ghép cua biển với sò huyết là cách đa dạng hóa đối tượng nuôi trong cùng đơn vị canh tác. Năng suất sò huyết tăng hoặc không giảm, người nuôi còn có thêm sản lượng cua, nhờ đó nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ ven biển càng đạt hiệu quả cao.