Chuyển đổi số, số hóa, tự động hóa luôn là chủ đề nóng trên toàn cầu nhờ hiệu quả từ thực tế các lĩnh vực áp dụng như: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp,v.v… và đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đang phát biểu trong buổi hội thảo.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn hỗ trợ bà con tiếp xúc với công nghệ số nhằm khắc phục được các hạn chế trong nuôi trồng như: kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm nước, rủi ro điện đuốc,... Tất cả đều ảnh hưởng lớn đến mức thu nhập người dân cũng như giá trị của ngành tôm tại Việt Nam.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Hiển - Phó Giám đốc TTKN Kiên Giang, ông Trần Duy Phong - CEO Công ty TNHH Tép Bạc và ông Nguyễn Văn Tư - Đại diện đến từ trường Đại học Nông Lâm TPHCM cùng lãnh đạo các phòng, Trạm, viên chức hệ thống Khuyến nông, doanh nghiệp, báo chí và hơn 30 nông dân nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Thầy Nguyễn Văn Tư đã mở đầu hội thảo bằng những yếu tố cần lưu ý trong môi trường ao nuôi, những yếu tố tuy nhỏ nhưng có mức ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm mà bà con thường không để ý. Từ đó đưa ra các khuyến nghị người nuôi cần ghi nhớ để duy trì được môi trường nước nuôi tôm thẻ chân trắng.
Thầy Nguyễn Văn Tư chia sẻ một số các biểu hiện trở nên xấu của nền đáy.
Từ năm 2021 trở về trước, đặc biệt trong năm 2020, địa bàn tỉnh Kiên Giang có những điều kiện tốt để phát triển ngành nuôi tôm nước lợ tập trung ở vùng tứ giác Long Xuyên.
Tổng quan tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp tại tỉnh Kiên Giang.
Có đến 60.000-70.000 hộ dân dân cũng như các doanh nghiệp đã đến khu vực này để phát triển nuôi tôm và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kết quả đạt nhiều thắng lợi.
Theo như đơn vị doanh nghiệp chia sẻ trong phần báo cáo tham luận, tỉnh Kiên Giang đã đạt được những chỉ tiêu đề ra, đi đúng phương hướng, kế hoạch của tỉnh đã đề ra. Tính đến tháng 8 năm 2021, diện tích thả tôm khu vực là 134.235 ha, với sản lượng là 73.450 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ cuối năm 2020.
Nhờ áp dụng những công nghệ mới trong nuôi trồng như công nghệ sinh học, các hộ nuôi tôm công nghiệp đã thu hoạch được 35.000 tấn trên 4000 ha, đem lại nguồn kinh tế chủ lực cho toàn tỉnh.
Tuy nhiên trong quá trình người dân cũng gặp không ít khó khăn do dịch bệnh thường xuyên xảy ra và môi trường sống của tôm biến đổi liên tục. Chị Nga - đại diện Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã có một bài phát biểu về những thách thức của người nuôi toàn tỉnh để người nuôi có các biện pháp trị bệnh cho tôm kịp thời và hiệu quả.
Ứng dụng quản lý trại nuôi Farmext cho phép người nuôi quản lý kho, thu chi.
Để giải quyết các vấn đề đã nêu trong phần trình bày của chị Nga, anh Trần Duy Phong - CEO công ty Tép Bạc, đã đưa ra các giải pháp tự động hóa, số hóa hỗ trợ người nuôi quản lý trại nuôi hiệu quả cho dù không có mặt tại ao.
Giải pháp tự động hóa bao gồm một phần mềm quản lý Farmext và hai thiết bị phần cứng ứng dụng công nghệ IoT nhằm điều khiển từ xa ao nuôi và giám sát chất lượng môi trường nước chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh. Hệ thống tự động hóa này giúp đảm bảo sức khỏe người nuôi và tôm nuôi, năng suất cao hơn, giảm rủi ro sản xuất do dịch bệnh và hỗ trợ bà con có đầu ra ổn định hơn.
Các đại biểu và người nuôi sau khi nghe đến giải pháp đã vô cùng quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi cho công ty về hiệu quả thực tế, giá thành, thông số thiết bị như thế nào,...
Kết thúc hội thảo, TTKN Kiên Giang cho biết sẽ hỗ trợ và triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao cho các hộ nuôi theo đúng định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Từ đó nâng cao năng suất, tăng giá trị và phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
Xem lại toàn bộ buổi hội thảo tại đây.