Thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL hiện nay vẫn tiếp tục ảm đạm, các nhà máy gần như không tìm mua cá nguyên liệu cho chế biến. Nhu cầu cá tra nguyên liệu kích cỡ dưới 1kg/con ở mức thấp, hầu như các doanh nghiệp không tìm mua vào nên không hình thành giá thị trường. Trong khi đó, các công ty lại đang đẩy mạnh tìm mua cá tra nguyên liệu có kích cỡ từ 1kg/con trở lên với mức giá 20.000 - 20.500 đồng/kg nhằm phục vụ nhu cầu gia tăng từ các thị trường sau khi tham gia ký kết FTA với Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, ngành nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu giảm, thời tiết nắng nóng kéo dài gây dịch bệnh lên cá, đồng thời giá cá không ổn định khiến người nuôi cân nhắc kỹ hơn trước mỗi vụ nuôi. Tại một số địa phương ĐBSCL, diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm như: Hậu Giang giảm 24,2%, Tiền Giang giảm 26%, Bến Tre giảm 23,9%.
Đầu năm 2015, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả thuế chống bán phá giá lần thứ 10 với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế gần 1 USD/kg. Ngay sau đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã giảm mạnh. Ngoài ra, đồng USD tăng mạnh so với một số ngoại tệ khác khiến thị trường nhập khẩu bị thu hẹp, trong khi cá tra xuất khẩu vẫn phải chịu mức thuế cao.
Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU tính đến hết tháng 5/2015 đạt 118,9 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến cho xuất khẩu giảm chính là việc chủ động giảm nhập khẩu của khách hàng. Chưa kể, đồng EUR giảm mạnh so với USD cũng khiến khách hàng liên tục đòi hạ giá bán.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2015 đạt gần 750 triệu USD, giảm 9,03% so với cùng kỳ năm 2014. Những khó khăn về xuất khẩu là nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh. Tính đến nửa đầu năm nay, giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 19.000 - 24.500 đồng/kg, thấp hơn từ 500 - 4.500 đồng/kg so với cùng kỳ 2014.
Theo các chuyên gia, để “giải cứu” con cá tra cần tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết, loại bỏ trung gian, hợp tác sản xuất quy mô lớn. Bên cạnh đó, là củng cố thị trường cũ, phát triển thị trường nội địa cũng như thị trường mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ mới, đa dạng hóa, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh các họat động xúc tiến thương mại, giải quyết các vướng mắc về thị trường như rào cản kỹ thuật, hàng rào thuế quan và phi thuế quan của các nước như Mỹ, EU, Nga... Tận dụng tốt cơ hội trong việc thực hiện các FTA.