Nỗi lo dịch bệnh
Tình hình nuôi tôm nước lợ, nước mặn trong những năm qua tại Kim Sơn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt năm 2012 dịch bệnh xảy ra trầm trọng trên diện rộng. Diện tích tôm bị thiệt hại nặng (trên 70%) là gần 950 ha, diện tích bị thiệt hại từ 30 - 70% là 25 ha.
Năm 2013 được dự báo là năm thời tiết có nhiều diễn biến thất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó giá cả đầu vào phục vụ nuôi tôm tăng cao, khó khăn về nguồn vốn, nguy cơ dịch bệnh đang rình rập... đang là những thách thức không nhỏ đối với người nuôi.
Đồng chí Đoàn Văn Hữu, Bí thư Đảng uỷ xã Kim Hải cho biết: Đa phần người dân trong xã sống nhờ bằng nghề nuôi tôm nên năm ngoái dù người nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề nhưng vụ này bà con vẫn tiếp tục đầu tư.
Nhìn chung các chủ đầm đều chuẩn bị ao nuôi khá kỹ, từ khâu cải tạo đất, xử lý nước và thực hiện theo đúng lịch thời vụ. Con giống cũng được lựa chọn một cách cẩn trọng hơn, nhiều hộ nuôi đã liên kết, trực tiếp vận chuyển các con giống có chất lượng từ các trại giống ở Ninh Thuận, Phú Yên... về thả nuôi.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là dịch bệnh, bởi nguyên nhân tôm chết hàng loạt vẫn chưa được các cơ quan chuyên môn xác định rõ ràng.
Gia đình anh Đoàn Văn Tuấn, xóm 2, Kim Hải có 4,5 mẫu ao đầm nuôi tôm. Nhiều năm qua, anh đã áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp cho hiệu quả cao nhưng bước vào vụ tôm năm nay anh Tuấn không khỏi lo lắng.
Thứ nhất là do Kim Sơn chưa thể tự sản xuất giống tôm, trong khi đó nguồn giống lưu hành trên địa bàn lại không được kiểm chứng tận gốc, chất lượng kém.
Thứ hai là hiện nay xã chưa có quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp riêng. Ao nuôi công nghiệp nằm ngay cạnh các ao nuôi quảng canh nên mặc dù áp dụng quy trình kỹ thuật khép kín nghiêm ngặt từ khâu cải tạo ao đầm đến giống, thức ăn thì nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất cao.
Ông Trần Văn Quang, xóm 4, Kim Trung cho biết thêm: Giống là một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc nuôi tôm... Tuy nhiên, thị trường giống hiện nay rất “bát nháo”.
Việc quản lý nguồn giống ngoại tỉnh nhập về địa phương không hề dễ do không thể kiểm tra được nguồn tôm giống tại gốc, con giống lại được vận chuyển bằng nhiều con đường khác nhau.
Bên cạnh đó do phần lớn nông dân ít vốn, lại ham rẻ nên thường chọn loại tôm giống giá rẻ để nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tôm nuôi bị dịch bệnh.
Khi nói về mong muốn của mình, nhiều bà con nông dân cho rằng Nhà nước cần quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, đồng thời có tư vấn để nông dân chọn được những con giống chất lượng.
Bên cạnh đó hiện nay môi trường nước trong nuôi trồng thuỷ sản đang có nguy cơ bị ô nhiễm.
Do vậy các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước để khuyến cáo cho người dân.
Tăng cường quản lý con giống và môi trường nuôi
Kế hoạch đặt ra cho vụ nuôi tôm vụ 1 năm 2013 của huyện Kim Sơn là 2.143,3 ha, trong đó tôm sú là 2.063,3 ha; tôm thẻ là 80 ha; diện tích nuôi tôm công nghiệp là 40 - 50 ha. Sản lượng phấn đấu đạt khoảng 470 tấn.
Để vụ tôm 2013 thắng lợi, UBND huyện Kim Sơn đã tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc quy trình cải tạo ao đầm, vệ sinh kênh mương khi sản xuất. Đặc biệt, kiểm soát chặt chất lượng tôm giống...
Theo đó, yêu cầu Chi nhánh KTCTTL huyện Kim Sơn xây dựng kế hoạch cấp, thoát nước cho vùng nuôi; phối hợp với các đơn vị dùng nước, Trạm Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Trạm Thú y, Phòng Nông nghiệp & PTNT tổ chức giao ban hàng tháng để thống nhất kế hoạch điều tiết nước cụ thể, nhất là điều chỉnh độ mặn hợp lý cho toàn vùng nuôi, phù hợp với từng thời điểm sản xuất, từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của con nuôi chính.
Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho các hộ đang trực tiếp nuôi trồng thuỷ sản về kế hoạch sản xuất thuỷ sản năm 2013 và ý nghĩa của việc cải tạo ao đầm, vệ sinh kênh mương.
Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, đến ngày 1 - 4 toàn vùng đã có 100% các hộ nuôi trồng thuỷ sản tiến hành rút cạn nước, cải tạo ao đầm, có 75% số hộ cải tạo ao đầm đạt yêu cầu kỹ thuật.
Phòng NN&PTNT cũng đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 12 lớp tập huấn cho trên 800 lượt người về kỹ thuật nuôi, kỹ thuật phòng trị bệnh cho tôm sú, cua xanh và một số đối tượng mới như tôm thẻ, ngao, cá bống bớp.
Đồng chí Đoàn Văn Hữu, Bí thư Đảng uỷ xã Kim Hải cho biết: Kim Hải đã thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống tôm, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý chất lượng giống đưa vào vùng nuôi và ký cam kết với 5 hộ kinh doanh dịch vụ giống tôm trên địa bàn yêu cầu thực hiện các quy định về quản lý, kinh doanh, vận chuyển giống vào vùng nuôi.
Theo thông tin từ Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, Sở Nông nghiệp & PTNT thì đã có đánh giá sơ bộ nguyên nhân tôm chết vụ 1 năm 2012 là do thời tiết khắc nghiệt, sau các đợt mưa lớn là các đợt nắng nóng và gió tây nam kéo dài làm cho đất và nước tích nhiệt vượt ngưỡng thích hợp của con tôm làm tôm bị strees, quá trình trao đổi chất bị rối loạn, làm suy giảm một số tổ chức như gan, cơ, thần kinh, hô hấp...
Ngoài ra, nguồn nước bị nghi ngờ là có chứa một số chất độc hại do trong quá trình xử lý, cải tạo ao đầm bà con đã sử dụng các thuốc BVTV không có trong danh mục.
Do vậy Chi cục khuyến cáo bà con cần hạn chế sử dụng các sản phẩm hoá chất, nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn có nguồn gốc thuốc BVTV trong cải tạo ao đầm. Song song với đó nên dành 1 phần diện tích đất làm ao trữ - lắng để cung cấp nước trong quá trình nuôi và mật độ thả nuôi thấp hơn mọi năm 10 - 12 con/m2 để giảm chi phí đầu tư, giảm áp lực về mầm bệnh.
Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tập trung tổng kiểm tra chất lượng các chế phẩm dùng trong sản xuất tôm, nghiêm cấm kinh doanh chế phẩm không đảm bảo chất lượng. Đồng thời nhân rộng các mô hình nuôi tôm sử dụng các chế phẩm sinh học, nuôi tôm an toàn theo mô hình VietGap.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 2.000 hộ thả tôm nuôi với diện tích khoảng 1.700 ha, chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Lượng tôm giống đã thả khoảng 90,5 triệu con, trong đó tôm sú 70 triệu con, tôm thẻ 20,5 triệu con. Điều kiện thời tiết hiện khá thuận lợi, con tôm phát triển tốt.