Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đực cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương ông làm ruộng, nuôi cá tra, cá rô đồng, rắn ri voi. Năm 1997 ông chuyển qua nuôi lươn đồng, tuy nhiên lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật, lươn bị chết hết. Không nản chí, ông lại lăn xả đi tìm lươn giống về nuôi và cải tiến phương pháp cho phù hợp hơn. “Lần này may hơn, tỷ lệ lươn sống cao, phát triển tốt, con nào con nấy to gộc, vàng ươm” – ông Đực nói. Tuy nhiên, thành công vẫn chưa đến khi ông chưa thể nhân giống được. Thế là ông lại tiếp tục vất vả, mày mò tìm kiếm thông tin trên sách, báo, học hỏi kinh nghiệm, quyết tâm nhân giống lươn đồng bằng được. Từ chịu khó cần cù, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT vào chăn nuôi, ông đã thành công. Kinh nghiệm nhân giống lươn của ông như sau:
1. Về nguồn lươn giống
Bắt trực tiếp lươn sẵn có trong tự nhiên, hàng năm từ tháng 4 – 10, có thể dùng bẫy để bắt lươn ở ruộng lúa, ao hồ… Lươn bắt theo cách này thường không bị thương, khoẻ mạnh, tỷ lệ sống cao. Không nên mua ở chợ, lươn dễ bị chích điện hay bị câu, lươn bị thương, dễ sinh bệnh nấm thuỷ mi, có con không ăn gầy yếu dẫn tới tử vong. Nên chọn lươn giống có màu vàng, có chấm lớn, loại này lớn rất nhanh.
2. Chọn lươn bố mẹ
- Sau khi đã nuôi lươn thuần hoá, cuối năm thu hoạch, chọn những con nặng từ 150g – 200g, thân vàng óng, khoẻ mạnh, không bị trầy xước.
- Cách nhận biết khi lươn gần đẻ: Bắt lươn ra, lật ngửa lên thấy bộ phận sinh dục to ra, ửng hồng, ta dùng hai ngón tay vuốt nhẹ thấy chất nhờn, có màu hơi vàng chảy ra từ bộ phận sinh dục. Đây là biểu hiện lươn sắp đẻ. - Trước khi thả lươn vào cần cho vào hồ một ít cây cải dầu, dây khoai lang, rơm khô hay sợi dây nilon tước nhỏ để lươn đẻ trứng. Khi lươn con mới nở vớt ra ra thả vào bể ương, tránh lươn mẹ ăn thịt lươn con.
3. Về thức ăn
Chủ yếu là động vật như cá, tôm con, ốc bươu vàng, ếch nhái (xay nhỏ). Khi thiếu thức ăn động vật, lươn có thể ăn rau, bèo tây, mảnh vụn thực vật. Trước khi lươn chuẩn bị đẻ (khoảng 30 ngày) cần bổ sung thức ăn trộn thêm các loại vitamin B1, B12… Trong thời kỳ sinh sản phải đặc biệt chú ý đến trứng lươn đẻ ra, lươn con vớt ra kịp thời nuôi riêng ở bồn khác, phòng chúng ăn lẫn nhau.
4. Chuẩn bị hồ để lươn đẻ
Xây hồ diện tích lớn nhỏ tuỳ ý, có thể từ 2 - 5m2 trở lên, xung quanh xây gạch xi măng, tường bóng nhẵn, đáy tráng xi măng và đặt những ống để cấp thoát nước, có thể xây theo từng dãy rộng 2m, dài 4m, cao từ 80 – 100cm. Cho đất sét pha vào dày khoảng 30 - 40cm. Thành hồ cao hơn mặt đất 10 cm trở lên phòng nước mưa chảy trực tiếp vào hồ. Tháo nước vào ngâm hồ từ 2 – 3 giờ, pha thêm chút muối. Sau đó tháo nước ra, cho nước sạch vào ngâm tiếp, làm như vậy khoảng 3 - 4 lần để các chất có hại trong xi măng thôi ra.
5. Chăm sóc lươn con
- Lươn nở được 5 ngày bắt đầu cho ăn con bo bo, lăng quăng. Lươn 10 ngày tuổi ăn được trùn quế nhưng cần phải cắt nhỏ, 15 ngày tuổi bắt đầu cho ăn cá xay nhuyễn. Lươn từ 30 ngày tuổi trở lên cho ăn ốc bươu vàng xay nhỏ. Sau khi nuôi lươn trong hồ ương, trọng lượng đạt từ 20 – 30g/con, dài từ 10 – 15cm ta xuất bán giống hoặc chuyển qua hồ nuôi thịt. Trung bình 1m2 thả từ 50 - 60 con giống.
- Qua nhiều năm vật lộn với nghề nuôi lươn thịt, ông Nguyễn Văn Đực đã mày mò nghiên cứu tìm ra cách cho sinh sản giống lươn đồng, gia đình ông đã chủ động được con giống, không phải mua giống trôi nổi ngoài thị trường. Tới đây ông sẽ kiếm mặt bằng để sản xuất con giống đại trà, cung cấp cho thị trường.