Mức độ thiệt hại trên tôm thẻ chân trắng tương đương với tôm sú nhưng do thời gian nuôi ngắn, nếu bị thiệt hại khi tôm đã nuôi được từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng thì người nuôi có thể thu hồi vốn, nhiều hộ còn có lãi nhờ giá tôm ở mức cao. Những ao nuôi tôm thẻ bị thiệt hại bà con có thể thả lại tôm thẻ đạt yêu cầu, chính vì vậy mà người nuôi nhận định: tôm thẻ chân trắng dễ thích nghi hơn tôm sú. Ông Lê Văn Năm ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỵ Xuyên cho biết:” Tình hình nuôi tôm sú quá khó khăn nên tới đây chúng tôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay độ mặn thấp, độ kềm thấp nên chúng tôi dự kiến đến tháng 9 sẽ thả thẻ chân trắng. Theo tôi thấy thẻ nuôi thuận hơn ú, hiện nay bà con không mặn mà với tôm sú nữa”.
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng quá nhanh, nhu cầu sử dụng điện nuôi tôm rất lớn nên làm quá tải trên 200 trạm biến áp đối với các công trình lưới điện 1 pha ở các vùng nuôi tôm trong tỉnh, như thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên. Thời gian gần đây, hầu hết các công trình lưới điện 1 pha của 6 xã vùng nuôi tôm nước của huyện Mỹ Xuyên đã rơi vào tình trạng thiếu điện sinh hoạt do người dân tự phát sử dụng điện sinh hoạt vào sản xuất. Một hộ dân nuôi tôm ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên cho biết “Nếu sử dụng máy dầu thì hết 10 triệu chi phí, còn điện chỉ khoảng 30% thôi nên ai cũng sử dụng Điện. Hai năm nay nuôi thẻ nhiều nên sử dụng điện để chạy quạt nhiều hơn. Như tôi có ao nhỏ như vậy phải chạy 2 giàn quạt, nhưng nó cháy hoài, ban đêm chỉ chạy được một giàn chớ chạy hai giàn không nổi”
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng được mở rộng vượt tầm kiểm soát của ngành chuyên môn, hiện nay tôm thẻ được ứng dụng nuôi ở hầu hết các quy trình, bà con chưa quan tâm nhiều đến điều kiện nuôi, công trình ao nuôi và có nguy cơ thả nuôi liên tục trong năm. Sự tự phát này sẽ dẫn đến nguy cơ thiệt hại do công trình nuôi chưa phù hợp, khi dịch bệnh phát sinh thì môi trường ao nuôi, vùng nuôi sẽ rất khó lường. Thạc sĩ Đặng Hiền Đức, Chi Cục Thú Y Sóc Trăng nhận xét “Tình hình thẻ chân trắng nuôi tràn lan như hiện nay là nguy cơ thiệt hại rất cao. Đối với tôm thẻ chân trắng bà con phải chú ý đến việc đầu tư công trình thâm canh, bán thâm canh và ở đó phải đảm bảo hệ thống điện vì chỉ có điện mới đảm bảo an toàn, ít tốn chi phí chớ không nên tự phát như hiện nay. Công trình nuôi tôm thẻ rất quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật, công trình quạt nước, chạy ô xy đáy. Vấn đề chăm sóc cũng khác nên khi bà con chưa nắm vững kỹ thuật thì không nên nôn nóng”.
Đây là vấn đề mà Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đặc biệt quan tâm là xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nghề nuôi tôm nước lợ trong những năm tiếp theo vừa đảm bảo sản lượng vừa đảm bảo tính bền vững cho các vùng nuôi trên cả nước. Tại Hội Thảo lấy ý kiến của người nuôi tôm và các nhà khoa học về quy hoạch vùng nuôi vẫn chưa có quyết định chính thức, tuy nhiên ngành chuyên môn vẩn kiên quyết quan điểm chỉ đạo là tôm thẻ chân trắng chỉ được nuôi ở quy trình nuôi thâm canh, bán thâm canh và không nên nuôi tràn lan như hiện nay. Mục tiêu an toàn dịch bệnh luôn đặt lên hàng đầu, theo đó không nên phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng một cách tràn lan, nuôi tôm nước lợ phải tuân thủ lịch thời vụ. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng – Tổng Cục Thủy Sản nhấn mạnh “Chúng tôi thấy rằng việc nuôi tôm thẻ cho năng suất cao, thời gian nuôi ngắn nhưng không gì thế mà nuôi tràn lan. Chúng tôi khuyến cáo tôm thẻ chân trắng chỉ được nuôi theo quy trình thâm canh, bán thâm canh, không nuôi tràn lan, nuôi phải có quy hoạch vùng cụ thể”.
Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Sóc Trăng khuyến cáo đối với vùng nuôi tôm nước lợ nên tập trung thả một vụ tôm sú và hai vụ thôm thẻ chân trắng trong năm và kiên quyết giữ vững khung lịch thời vụ thả tôm hàng năm từ tháng 1 đến cuối tháng 7 để hạn chế tác động môi trường, cắt vụ để môi trường ao nuôi, vùng nuôi hồi phục, hạn chế thấp nhất mầm bệnh lây lan cho vụ nuôi mới.