Gian nan 2015
Năm 2015 được đánh giá là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm qua, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, tôm chính là mặt hàng giảm mạnh nhất với 25%, ước đạt gần 3 tỷ USD và chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Số liệu của VASEP cho thấy, giá trị tôm xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm mạnh. Tiêu biểu, EU giảm 19%, Nhật Bản 21%, Trung Quốc 19%, Hàn Quốc 24%.... Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, tôm Việt đã để mất tới 35,4% giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2014 khi chỉ ước đạt trên 687 triệu USD. Báo cáo tại Hội nghị Xuất khẩu thủy sản năm 2015 diễn ra mới đây, đại diện VASEP cho biết, tại Mỹ, tôm Việt phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ và Indonesia. Nhưng trong khi Ấn Độ tăng 23% khối lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ (111 nghìn tấn), Indonesia tăng 12% (95 nghìn tấn), Thái Lan tăng 15% với 57 nghìn tấn thì Việt Nam giảm 26% với 46 nghìn tấn.
Theo đánh giá của VASEP, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính đều giảm trong khi giá tôm thế giới từ đầu năm giảm hơn 30%. Đồng tiền của các nước nhập khẩu chính mất giá, đồng tiền của các nguồn cung cạnh tranh với Việt Nam phá giá mạnh cộng với biến động tỷ giá USD so với các tiền tệ khác, trong khi giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam tăng. Các yếu tố này đã làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt, đồng thời tác động mạnh tới doanh thu xuất khẩu của mặt hàng này trong năm 2015.
Kỳ vọng ‘lội ngược dòng’
Gác lại chuyện cũ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang kỳ vọng thời gian tới sẽ có cuộc ‘lội ngược dòng’ ngoạn mục cho tôm. Hy vọng ấy hoàn toàn có cơ sở. Bởi kết quả chính thức trong đợt rà soát chống bán phá giá POR9 của Mỹ đã thấp hơn kết quả sơ bộ công bố trước đó là một thuận lợi cho tôm Việt Nam. Tiêu biểu, Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời đã xóa bỏ các rào cản về hàng hóa, dịch vụ, vốn.... Hàng hoá ở các nước thành viên ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi như nhau, khi đó sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Hay như Hiệp định TPP vừa kết thúc đàm phán, khi có hiệu lực sẽ tạo những ưu đãi về thuế xuất khẩu cho tôm Việt Nam sang 2 thị trường lớn Nhật Bản và Mỹ. Tiêu biểu, với Nhật Bản, tất cả các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh sẽ có thuế 0% (hiện ở mức 1-10%) ngay khi TPP có hiệu lực, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho tôm Việt Nam so với Argentina, Ecuado và Ấn Độ khi 3 nước này không có FTA với Nhật Bản.
Hơn nữa, với FTA Việt Nam - Hàn Quốc vừa có hiệu lực, Hàn Quốc cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất 0%. Như vậy, tôm Việt đã có lợi thế hơn 10 nước ASEAN khi Hàn Quốc chỉ cấp cho cả khu vực ASEAN hạn ngạch 5.000 tấn/năm.
Mặt khác, Việt Nam đã ký FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Theo đó, thuế xuất khẩu thủy sản sẽ được giảm ngay về 0% từ mức 5,63% hiện nay ngay sau khi FTA này có hiệu lực.
Ngoài ra, với FTA Việt Nam - EU, tôm Việt Nam sẽ có lộ trình giảm thuế về 0% (mức trung bình hiện nay là 13,5-17%) ngay khi FTA có hiệu lực hoặc lộ trình 3-5-7 năm. Do đó, Việt Nam sẽ có thuận lợi hơn hầu hết các nước xuất khẩu cạnh tranh như Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Argentina, Thái Lan do hầu hết chưa có FTA với EU.
Với những ‘lực đẩy’ tiêu biểu đó, ngành thủy sản đang dự báo xuất khẩu tôm năm nay sẽ phục hồi trở lại và tăng khoảng 12%, ở mức 3,3 tỷ USD.