Câu thơ có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo đối tượng và từng người cảm nhận. Tuy nhiên, ngoài phép ẩn dụ, hình ảnh con cá nhét được nhắc đến còn để chỉ sự bình dân cũng như khẳng định giá trị của một đặc sản là con cá nhét thơm ngon nổi tiếng nơi có đồng lúa xanh ngát giữa miền Trung thân thương này.
Sở dĩ có nhiều phù sa tươi tốt, nhiều món ngon vì đây là nơi hội tụ của các con sông Ba, sông Đồng Bò, sông Bánh Lái, sông Bầu Quay, sông Trong... Các con sông vắt mình qua những cánh đồng cho nhiều loại cá đặc sản như cá sặc, cá đá, cá tràu…, mà ngon nhất, tuyệt vời nhất là món cá nhét (có nơi còn gọi là cá chạch) vùng lưu vực sông Bánh Lái. Chính vì thế đi đâu làm gì thì thôi chứ về Phú Yên, tôi cùng mấy người bạn thân lại rủ nhau lên các xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ (Tây Hòa) để thay thực đơn bằng các món nấu từ loại cá này.
Theo người dân địa phương thì cá nhét vùng sông Bánh Lái trú nhiều ở những đoạn sông có nhiều bùn. Từ sông chúng có thể ra ao đồng, sống dũi dưới lớp bùn cho phù hợp với thời tiết. Cá nhét da trơn như lươn, màu nâu xám, đầu nhọn, đuôi dẹt có nhiều chấm bông, con lớn nhất khoảng bằng ngón tay cái người lớn, dài khoảng 20cm.
Sau khi bắt về, người chế biến ngâm nước xả bùn, làm cho sạch nhớt, sạch ruột, thường để nguyên con rồi chế biến. Trên danh mục ẩm thực của cả nước, cá nhét nướng chấm cơm mẻ, xào sả ớt, um chuối chát, nấu lẩu, nấu cháo, canh chua, kho tộ… là những món ngon nhất.
Những lần gặp nhau quý hóa, mấy người bạn của tôi cho rằng, các món trên rất ngon nhưng chế biến hơi lâu, cầu kỳ, vả lại chẳng lẽ mình cứ ăn hoài món cũ, phải có cái gì lạ miệng chứ. Vậy là anh xắn tay vào bếp, làm tốc hành món cá nhét nấu lá gừng vườn nhà. Chỉ trong chốc lát, nồi nước sôi lên, thế là phần cá làm sạch, ướp cá với các loại gia vị (không thể thiếu hành củ băm và ớt vì cá tanh) được bỏ vào.
Đợi cho cá chín rồi cho vào một nắm lá gừng non xắt nhỏ. Khi nồi cá sôi lên lần nữa thì thêm ít ớt và tiêu bột, thế là có một nồi cá nhét nóng thơm ngon đặc biệt.
Cá nhét ngon, món nấu lá gừng ăn nóng lại càng đậm đà hơn. Đặc biệt, loại cá này khác lươn ở chỗ, xương mềm nên người ăn có thể nhai luôn xương mới cảm hết độ ngọt của nó. Nếu thích, ta có thể gắp từng con cá dằm vào đĩa nước mắm ngon có ớt cho mặn miệng, nhất là những con mập ú, bụng chứa đầy trứng ngót làm sao.
Khi ăn ta nhận được vị béo, bùi, dai, ngọt của cá quyện vào mùi thơm của lá gừng, vị cay của ớt, mùi nồng của tiêu thật ấn tượng. Có thể ăn cá nhét nấu lá gừng với cơm hoặc bánh tráng nướng kèm ngồi lai rai với anh em bằng hữu cả buổi mà lòng vẫn cứ thấy mơn man, lâng lâng chẳng muốn về. Kỳ lạ, những hương vị đồng quê dân dã ấy có một sức mạnh thôi thúc những người đi xa luôn nhớ để trở về.
Ngoài chất lượng thơm ngon nức tiếng, theo Đông y, cá nhét có vị ngọt, tính bình không độc, bổ khí huyết, chống lão suy, tráng dương, trợ lực, thanh nhiệt, phòng trừ thấp, trị ra mồ hôi trộm, giải say rượu, chữa viêm gan mật, suy gan, vàng da, mẩn ngứa…