Chúng tôi đã vượt trên 40 km đường giao thông nông thôn tương đối khó khăn trên huyện Cù Lao Dung để tìm hiểu về mô hình nuôi cá bông lau duy nhất, rất thành công của ông Nguyễn Văn Kiệt, 56 tuổi ngụ ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam-xã cuối cùng trên cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu.
Anh Dương Thanh Tràng, cán bộ nông nghiệp xã An Thạnh Nam cho biết : “Ông Kiệt là người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cá đặc sản bông lau trên địa bàn huyện. Sau này, có nhiều người cùng làm theo nhưng không thành công nên chán, bỏ nghề, chỉ còn ông Kiệt vẫn duy trì và phát triển tốt, nên năm nào nuôi cũng trúng lớn, vậy mới ngon...”.
Xã An Thạnh Nam có rất nhiều dãy đất tiếp cửa sông lớn, từ đó có rất nhiều người dân sinh sống bằng nghề cào lưới biển nên nguồn cá bông lau các cỡ có rất nhiều. Theo nhiều người dân tại đây cho biết : cá bông lau có 2 dạng sinh sống ở nước vùng nước ngọt đầu nguồn và cá ở vùng nước mặn tiếp giáp nước ngọt (còn gọi là nước lợ) tại sông lớn. Tuy nhiên nhiều thương lái đánh giá chất lượng cá bông lau vùng nước lợ ngon hơn nên giá mua cũng cao hơn từ 10.000 đến 15.000 đồng/ký.
Biết được đặc điểm trên, từ năm 2011, trên diện tích 8.000m2 mặt nước ( 8 công), ông Kiệt thả nuôi 12.000 con cá giống bông lau với giá mua 5.000 đồng/con từ các ghe tàu đánh bắt ngoài sông lớn. Sau 2 tháng nuôi, ông xuất bán khoảng 5.000 cá con giống với giá từ 12.000 đến 15.000 đồng/con; số còn lại ông nuôi thêm 10 tháng nữa và xuất bán được 8 tấn với giá 100.000 đồng/ký. Ở vụ nuôi đầu tiên này, sau khi trừ hết chi phí, ông Kiệt đã lãi được 800 triệu đồng từ tiền bán cá bông lau giống và cá bông lau thịt.
Ông Kiệt cho biết một số kinh nghiệm nuôi cá bông lau đặc sản: "Mùa cá bông lau sinh sản thường từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Thời điểm này nguồn cá giống trên các sông khá nhiều. Vì vậy, muốn nuôi cá bông lau, lúc này người nuôi thu mua nguồn cá giống từ những người làm nghề đăng lưới, đẩy xiệp ven sông lớn, trên các bãi bồi dưới chân rừng ngâp mặn. Nguồn con giống các bông lau ngoài tự nhiên khá nhiều, người nuôi chỉ tốn công ương dưỡng. Thức ăn cho cá bông lau chủ yếu từ nguồn cá vụn nên cũng dễ tìm và chi phí thấp...".
Từ năm 2014 đến nay, ông Kiệt đã chuyển hoàn toàn sang phương án nuôi và bán cá bông lau thịt. Ông lý giải : “Hiện nay nguồn cá giống bông lau bị săn bắt ráo riết ngoài tự nhiên với đủ loại dụng cụ đánh bắt. Cá này thường rất yếu và độ rủi ro cao dễ dẫn đến hao hụt cho người nuôi. Cạnh đó, tôi chỉ mua loại cá bông lau đạt chuẩn để nuôi bán cá thịt. Làm vậy để cho “ chắc ăn” lại vừa góp phần không để cá con bị tận diệt rất oan uổng”.
Khu ao nuôi cá đặc sản bông lau của gia đình ông Nguyễn Văn Kiệt.
Ông Kiệt chia sẻ thêm: "Nuôi cá bông lau phải hết sức chú ý đến các loại dịch bệnh dễ phát sinh như đầy ruột, trắng mai…Ao nuôi cá bông lau phải sạch sẽ, thông thoáng...Mỗi ngày cá bông lau ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Nếu nuôi nhiều thì dùng thức ăn là cám viên công nghiệp cho cá bông lau. Nếu nuôi đúng chuẩn thì sau 12 tháng, cá bông lau sẽ đạt trọng lượng từ 1-1,2 ký/ con...".
Năm 2017, ông Kiệt đã xuất bán được 11 tấn cá bông lau với giá 110.000 đồng/ký, trừ hết chi phí, ông đã lãi ròng trên 800 triệu đồng. Năm 2018, ông Kiệt thu hoạch ước đạt 12 tấn cá bông lâu, với giá thương lái thu mua đặt cọc là 135.000 đồng/ký, ông Kiệt thu lãi 1 tỷ đồng.
Thừa thắng xông lên, trong năm 2018, từ nguồn lãi nuôi cá bông lau tích cóp các năm trước, ông Kiệt đã thuê thêm 40.000m2 mặt nước cạnh sông Tiền để thả nuôi 300.000 con tôm càng xanh và trăm ngàn con cá tra. Tôm càng xanh, cá tra càng về cuối năm 2018 giá bán càng tốt, ông Kiệt lãi ròng 1 tỷ đồng từ 2 loài thủy sản này.