Nâng cao chất lượng cá tra giống là yêu cầu cấp bách để ngành cá tra phát triển bền vững (Ảnh chụp xã Hòa Hưng, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) - Ảnh: Thành Công
Để giải quyết vấn đề này cần phải hoàn thiện quy trình kỹ thuật ương giống, nâng cao năng lực quản lý, cần có sự liên kết giữa nông dân và nhà khoa học. Đây là đề tài của “Hội nghị bàn về giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng cá tra giống” do Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Đồng Tháp ngày 12-4.
Khâu ương giống chưa đảm bảo kỹ thuật
Theo GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Khoa Thủy sản - trường Đại học Cần Thơ, sản lượng cá tra bột toàn vùng ĐBSCL đã tăng vọt từ gần 500 triệu con vào năm 2000 lên hơn 14 tỉ con cá tra bột vào năm 2011, trong khi đó sản lượng cá tra giống hiện nay chỉ xấp xỉ 2 tỉ con. Điều này cho thấy sản lượng cá bột tăng nhưng cá giống không tăng, hay nói cách khác đi là tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi cá tra giống đang giảm.
Ông Phương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do mật độ ương quá cao nên thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá bột không đủ, môi trường ao ương xấu gây ảnh hưởng không tốt cho cá giai đoạn hình thành cơ quan hô hấp phụ, cá hao hụt nhiều sau 1 - 2 tuần tuổi, sử dụng thức ăn của các loài cá có vảy hay hàm lượng đạm không phù hợp (quá cao) cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ ương cá giống thấp. Ngoài ra, còn do bệnh bộc phát trong ao ương cá tra bột với các tán nhân như nấm, vi khuẩn dạng sợi, ký sinh trùng…
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Vụ Nuôi trồng Thủy sản về tình hình sản xuất cá tra giống năm 2011 tại vùng ĐBSCL, tình trạng người ương giống không đánh giá chất lượng nước trước khi xây dựng trại (trên 85%), không kiểm tra chất lượng nước trước khi cấp vào ao (hơn 35%), bơm nước trực tiếp vào ao ương mà không qua xử lý (hơn 60%), dẫn đến nguồn nước không đảm bảo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cá bị dịch bệnh, tỷ lệ sống thấp.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học để xử lý ao ương không đúng cách, không quan tâm chất lượng cá bố mẹ sản xuất ra cá bột, mật độ ương tương đối cao, việc sử dụng các vitamin, khoáng chất, men vi sinh với liều lượng quá cao so với nhu cầu, điều trị bệnh không có sự tư vấn cán bộ kỹ thuật ở địa phương… cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ sống trong quá trình ương cá bột lên cá giống không cao, chất lượng cá giống chưa đảm bảo.
Quy trình ương cá tra giống chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật là nguyên nhân khiến tỷ lệ sống thấp (Ảnh chụp xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) - Ảnh: Thành Công
Lãng phí nguồn cá tra bố mẹ
Theo Tổng cục Thủy sản, hàng năm, các vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL cần 1,8 - 2,4 tỉ con cá tra giống, tương đương khoảng 25 - 30 tỉ con cá bột để thả nuôi. Để đáp ứng nhu cầu này, các địa phương đã phát triển 200 trại sinh sản cá bột với lượng cá bố mẹ khoảng 1.000 tấn, cùng với trên 4.000 hộ ương cá giống trên diện tích 2.250 héc ta, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Tiền Giang.
Trong đó, Đồng Tháp là địa phương cung ứng lượng giống cá tra lớn nhất trong cả nước với 87 cơ sở sản xuất cá bột, 1 cơ sở kinh doanh và 1.087 cơ sở ương giống, với sản lượng 25 tỉ con cá bột, tương đương 1,5 tỉ con cá giống. Đáp ứng cho 100% nhu cầu con giống thả nuôi trong tỉnh và cung ứng 60% - 70% lượng cá tra giống cho các vùng nuôi cá tra trong khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương giống rất cao, cụ thể tỷ lệ hao hụt từ cá bột lên cá hương lên tới 70% - 80%, và từ cá hương lên cá giống hao từ 40% - 50% (tỷ lệ sống từ ương cá tra bột lên cá giống chỉ khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với các loại cá khác). Do đó, để sản xuất được 2 tỉ cá giống thì phải cần tới 20 tỉ cá bột.
Điều này làm lãng phí một lượng lớn cá bố mẹ, làm tăng giá thành trong quá trình ương cũng như làm giảm chất lượng cá tra giống. Trong khi đó, nếu nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình ương cá tra giống thì chỉ cần 1/3 lượng cá tra bố mẹ hiện nay là có thể đáp ứng được nhu cầu con giống của người nuôi cá tra thương phẩm.
Để khắc phục được tình trạng trên, hầu hết các nhà chuyên môn đều cho rằng, trước hết phải giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, nghiên cứu quy trình ương cá tra giống để áp dụng thống nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, phải thực hiện các giải pháp quản lý như: xây dựng được chuỗi liên kết dọc sản phẩm thủy sản, cấp mã số truy xuất nguồn gốc, xã hội hóa hoạt động sản xuất giống cá tra, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống thủy sản...
Về phần thẩm quyền của cơ quan quản lý thủy sản địa phương, ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét phân cấp lại thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý địa phương, trả nhiệm vụ thú y thủy sản về cho Chi cục Nuôi trồng Thủy sản để thống nhất quản lý tại khâu giống cũng như khâu nuôi thương phẩm.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, tìm ra giải pháp thích hợp để khắc phục những khó khăn trong khâu chất lượng con giống rất quan trọng và được thực hiện lâu dài, thường xuyên. Sản xuất cá tra giống phải theo quy hoạch, cần chú ý đến vấn đề nâng cao chất lượng. Trong đó, cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp nuôi ương giống, các hộ nhỏ lẻ với các cơ quan chức năng của Nhà nước, viện, trường để được chuyển giao kỹ thuật, trao dồi kinh nghiệm sản xuất để mang đến cho thị trường nguồn giống tốt, sạch bệnh và chất lượng cao.