Trong những năm gần đây, cùng với việc phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống thì việc đưa các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cũng được người dân đưa vào nuôi thử nghiệm như cá chình, cá lăng chấm, cá bống tượng... Việc phát triển các đối tượng mới đã góp phần đa dạng đối tượng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã thực hiện mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao đất với quy mô 0,2ha/2 hộ và được triển khai trên địa bàn xã Hà Đông và xã Mỹ Đức của huyện Đạ Tẻh. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 80% con giống; 50% thức ăn, thuốc và hóa chất và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho cá.
Sau 5 tháng thực hiện, tỷ lệ cá sống đạt 82%, trọng lượng bình quân của cá đạt 0,7kg/con. Dự kiến sau thời gian nuôi 12 tháng, trọng lượng cá sẽ đạt từ 1,5-1,8 kg/con. Cá thích nghi với điều kiện môi trường, sinh trưởng và phát triển nhanh, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, nguồn nước và các chỉ tiêu môi trường phù hợp với sự sinh trưởng của cá, các hộ đều thực hiện đúng theo quy trình và sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhằm giúp các nông hộ và người dân trên địa bàn huyện hiểu và nắm rõ được kỹ thuật nuôi và áp dụng quy trình vào nuôi tại gia đình, việc đưa cá hô vào nuôi là hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương cũng như nhu cầu của người dân trong việc tìm các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm giới thiệu cho bà con học tập và nhân rộng.
Hiện nay giá bán cá hô thương phẩm trên thị trường khoảng 160.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, dự kiến tổng lợi nhuận thu được từ mô hình khoảng 70 triệu đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 35 triệu đồng/hộ.
Với những kết quả mô hình đạt được đã cho thấy Đạ Tẻh là địa phương có điều kiện phù hợp cho việc nuôi cá hô thương phẩm. Đây cũng là cơ sở để nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nơi có điều kiện thích hợp cho việc phát triển nuôi cá hô. Mô hình đã giúp người dân có được những lựa chọn đối tượng nuôi nhằm thay thế các đối tượng nuôi truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn và phát triển loài cá quý hiếm có nguồn gốc từ sông Mê Kông.