Sau khi học được nghề đan rập cua, chị Đầm cùng chồng phát triển nghề này, giúp hàng chục lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định. Mỗi ngày gia đình chị làm ra khoảng 500 rập cua.
Mỗi cái rập cua có giá bán từ 50.000-70.000 đồng. Mỗi tháng gia đình chị Đầm tiêu thụ trên 15.000 cái rập, doanh thu trên 100 triệu đồng. Hiện chị còn tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương, thu nhập bình quân mỗi người từ 2-3 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động còn mang rập về nhà làm những lúc nhàn rỗi, từ đó hiệu quả mang lại khá cao. “Một ngày gia đình tôi nhận làm 125 rập cua, có ngày đến 200 cái. Nhờ vậy mà gia đình có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định”, chị Trần Thị Màu cho biết.
Chị Huỳnh Thị Đầm cho hay, hiện gia đình đang xúc tiến đầu tư mở rộng cơ sở, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường. Đặc biệt, cơ sở còn nghiên cứu ra mẫu rập cua mới, có tính năng và chất lượng tốt hơn rập cua truyền thống để phục vụ cho bà con.
Việc phát triển và đưa nghề đan rập cua về vùng nông thôn của chị Huỳnh Thị Đầm góp phần giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Đức Hoàng Thị Nhật nhận xét, chị Đầm là một tấm gương điển hình về sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Không chỉ làm giàu cho gia đình mà thời gian qua cơ sở làm rập cua của chị Đầm còn tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động ở ấp Tân An.
Đây là mô hình cần nhân rộng trong hội phụ nữ, nhằm góp phần giảm tiêu chí hộ nghèo trong hội viên trên địa bàn xã trong thời gian tới. Tuy nhiên, mô hình này rất cần có sự đầu tư, quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành để phát triển bền vững./.