Điều đáng nói là tình trạng này tồn tại cả chục năm nay nhưng đơn vị quản lý bến tàu khách và chính quyền địa phương vẫn để kéo dài.
Sáng 20-5, trong vai người dân, chúng tôi đến bến tàu khách Hộ Phòng gửi vài cây gỗ và hai cánh cửa cũ về xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Khi xe ba gác chở hàng vừa trờ đến khu vực bến tàu khách Hộ Phòng thì đã có sẵn 4-5 người đàn ông túc trực “đón” hàng. Một người đàn ông tên Linh mau mắn đi tới khiêng một cây gỗ xuống bến và ra giá bốc vác 50.000 đồng.
Chúng tôi phản ứng, không đồng ý giá này thì ông Linh cho biết phải đóng 20.000 đồng tiền bến bãi, nếu không hàng sẽ không được đem xuống tàu. Ông Linh nói: “Xuống phải đóng bến 20.000 đồng, đưa hàng xuống cho thêm 30.000 đồng”.
Ngay sau đó, một người đàn ông khoảng 40 tuổi cũng nói: “Tự đem xuống thì đóng bến 20.000 đồng, đóng cho tôi”. Ông Linh giải thích lý do thu tiền bến là do nhóm người bốc vác đã thầu lại bến mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Số tiền này được gom lại để đóng cho bộ phận quản lý bến tàu.
Theo ông Linh, việc thu tiền bến bãi đã có từ nhiều năm nay, hàng dù đưa lên hay đem xuống tàu đều phải đóng tiền, tùy vào số lượng hàng đem xuống tàu ít hay nhiều. “Không đóng sao cho xuống, luật là vậy. Xuống tàu ba chục ký trở lên là thu tiền” - ông Linh khẳng định.
Một chủ cơ sở thường xuyên vận chuyển hàng gửi qua bến tàu khách Hộ Phòng cho biết: “Bầu không khí của bến tàu khách Hộ Phòng khá nặng nề, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp có hàng hóa lưu thông qua bến đều bị họ ép buộc sử dụng dịch vụ khuân vác với mức giá cắt cổ, cao gấp 4 - 5 lần mức giá có thể chấp nhận được.
Nếu có ai đó phàn nàn, phản đối sẽ nhận ngay những câu chửi bới thô tục, thậm chí còn bị đe dọa hành hung, ngăn cấm không cho hàng hóa xuống tàu. Cả chục năm nay không ai dám đứng ra tố cáo, đành phải chấp nhận sử dụng dịch vụ vô lý ngay cả khi không có nhu cầu”.
Một doanh nghiệp khác đề nghị không nêu tên còn cho biết hàng hóa đưa ra bến chỉ cách tàu khoảng 1m vẫn bị “làm luật” với nhóm người này, sử dụng nhân công bốc vác của mình cũng phải đóng tiền bến.
Ông Mai Văn Phú, phó giám đốc Ban quản lý bến xe tàu Bạc Liêu (đơn vị quản lý bến tàu khách Hộ Phòng), cho biết trước đây tôm nguyên liệu còn nhiều, tại bến tàu khách Hộ Phòng có một đội bốc vác và có giá cả rõ ràng cho mỗi thùng tôm.
Tuy nhiên, hiện tại không còn tôm nhiều như xưa nên đội này tan rã, còn lại 7-8 người hoạt động bốc vác đến hôm nay, mỗi ngày cả đội đóng cho bến 5.000 đồng để làm vệ sinh bến, tổng cộng mỗi tháng là 150.000 đồng và thu theo tháng chứ không phải 1,5 triệu đồng như ông Linh nói.
Ông Phú cũng nói thường xuyên nhắc nhở những người này làm ăn phải dựa trên thỏa thuận với khách hàng. Riêng việc người dân tự mang hàng hóa cũng phải đóng tiền bến, ông Phú nói: “Khi cô bác tự khiêng thì không được quyền lấy tiền, dứt khoát không được”.
Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao ban quản lý không tổ chức lực lượng làm dịch vụ bốc vác, ông Phú và ông Nguyễn Tuấn Sơn (trưởng ban quản lý bến tàu khách Hộ Phòng) đều cho rằng không thể làm được vì “phức tạp lắm”, “người lạ vào đây là rất khó”. Ông Sơn nói từng bị người thân của ông Linh “đánh phủ đầu”.