Làng cá cảnh bỏ nghề nuôi thành làng buôn cá cảnh xuyên quốc giá.
Cả làng đi nhập cá về bán
Làng Yên Phụ từ lâu đã nổi tiếng với nghề nuôi cá cảnh và là một trong những nơi phân phối cá cảnh lớn nhất miền Bắc. Trước kia, các hộ kinh doanh cá cảnh thường gây nuôi các giống cá truyền thống (hay còn gọi là cá cỏ) như: cá kiếm, cá vạn long, cá vàng, cá ngựa vằn, cá bảy màu… Đây là những loại cá có giá bình dân (chỉ khoảng vài nghìn đồng/đôi cá), hợp với túi tiền của đại bộ phận khách hàng.
Do nhu cầu chơi cá cảnh của khách hàng ngày càng cao, trong khi quá trình nuôi phức tạp khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên các người dân kinh doanh cá cảnh đã đa dạng hóa các giống cá bằng cách nhập các giống cá ngoại vào Việt Nam và phân phối đi khắp thị trường trong nước.
Nhiều giống cá nhập ngoại có giá rất cao mà chỉ những tay chơi đại gia mới mua về chơi như: cá la hán, cá rồng… Giá của các loại cá này thường dao động từ 700.000 đồng đến hàng chục triệu đồng một con tùy vào chất lượng của từng cá thể cá.
Hơn nữa, do lợi nhuận từ việc “đi buôn” cao hơn nhiều so với việc tự sản xuất và phân phối khiến hầu hết các hộ kinh doanh cá cảnh chuyển sang nhập cá về bán.
Là một trong số ít hộ còn nuôi cá cảnh, anh Tuấn, chủ cửa hàng cá cảnh Tuấn Yến cho biết: “Bây giờ người ta chuyển sang nhập cá từ nơi khác về là nhiều, cả làng Yên Phụ chẳng còn mấy nhà giữ nghề nuôi cá để bán nữa. Thường thì người ta đi nhập ở Sài Gòn, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapo… Giá cá thực tế nhập từ bên đấy thì rẻ nhưng khi chuyển về đây thì lại độn nên rất cao vì phí vận chuyển bằng máy bay khá lớn”.
Lợi nhuận gấp 4-5 lần nuôi
Mặc dù giá của các loại cá nhập ngoại khá cao song dường như các tay chơi cá có nghề thường không bận tâm về điều này, lượng cá ngoại tiêu thụ ở thị trường trong nước vẫn rất lớn khiến người kinh doanh cá cảnh thu được mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với nghề nuôi trước kia.
Theo những hộ kinh doanh cá cảnh hiện tại ở làng Yên Phụ, trước kia, trung bình cứ một tháng người dân có thể xuất một lứa cá. Tuy nhiên, cá một tháng tuổi còn nhỏ nên bán không được giá, hộ nào nuôi nhiều cũng chỉ lãi từ 3– 4 triệu/tháng. Hơn nữa, việc nuôi cá rất vất vả và đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, rủi ro lớn. Trong khi, việc nhập cá đơn giản hơn lại cho phép quay vòng vốn nhanh, lãi xuất lớn.
Anh Nguyễn Văn Sơn, một người kinh doanh cá cảnh cho hay: “Thị trường cá cảnh không phụ thuộc vào mùa mà tùy từng lúc, có lúc đắt hàng thì chỉ khoảng 10 ngày là phải nhập hàng một lần. Còn lúc ế thì khoảng 1 tháng, thậm chí là 2 tháng nhập một lần”.
Anh Sơn cho biết: Một đôi cá vàng (loại trung bình) khi nhập ở Sài Gòn chỉ có giá từ 4.000 – 5.000 đồng/đôi, tính cả phí vận chuyển thì mỗi đôi cá này có giá trị khoảng 9.000 – 11.000 đồng/đôi. Trong khi giá bán buôn tại cửa hàng là 15.000 đồng/đôi. Như vậy, người dân có thể lãi khoảng 4.000 – 5.000 đồng/đôi cá.
Tương tự, anh Tuấn - một người có thâm liên nhiều năm trong nghề kinh doanh cá cảnh cũng tiết lộ, cá cảnh Yên Phụ được phân phối ở khắp các cửa hàng cá trong thành phố và các tỉnh lân cận. Lượng khách mua buôn từ các tỉnh đổ về rất lớn, các tay chơi cá cảnh cũng tìm về làng “săn cá” khiến số lượng cá bán được ngày càng lớn. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng của anh Sơn phân phối từ 200 đến 300 cá thể cá các loại. Nếu cào bằng, tính theo mức lợi nhuận của giá cá loại trung bình thì mỗi ngày cũng có thu nhập khoảng trên dưới 1 triệu đồng.
Mức lợi nhuận cao hay thấp tùy thuộc vào quy mô kinh doanh của từng hộ, tùy vào từng mùa. Cá thường có giá nhất vào dịp cuối năm và đầu xuân khi trời nắng ấm. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân kinh doanh cá ở đây, việc nhập cá về bán đem lại thu nhập cao hơn 4-5 lần so với việc tự nuôi cá bán. Bởi vậy mà hiện nay, cả làng Yên Phụ chỉ còn khoảng 2–3 hộ còn giữ truyền thống nuôi cá cảnh.
Mức thu nhập của người dân được nâng cao là điều dễ dàng nhìn thấy được từ việc kinh doanh cá cảnh ngoại nhập. Tuy nhiên, điều này dẫn đến nguy cơ một làng nghề nuôi cá cảnh truyền thống bị chìm vào quên lãng.
Chị Yến, một trong ít người dân nuôi cá trong làng ngậm ngùi: “Bây giờ những người có kinh nghiệm nuôi cá lâu đời đều đã già hết. Lớp trẻ lớn lên thì không theo nghề mà làm nghề khác, số theo nghề thì đa phần đi nhập cá về bán bởi lãi cao hơn nhiều so với nuôi. Không biết nghề nuôi cá cảnh làng Yên Phụ sẽ tồn tại đến bao giờ”.