Bấp bênh nghề nuôi tôm
Đối với người dân vùng quê biển Thái Đô (huyện Thái Thụy), những ngày qua là quãng thời gian khó khăn nhất mà họ đang phải gồng mình gánh chịu. Thu nhập chính của các gia đình đều trông mong vào những ao đầm nuôi thả tôm sú. Dẫu biết rằng, giá trị sản xuất do con tôm mang lại là không hề nhỏ, giúp họ cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình, nhưng rủi ro trong nghề nuôi thường xuyên diễn ra.
Con tôm rất mẫn cảm môi trường nuôi thả nếu không được cải tạo, vệ sinh tốt. Chưa kể đến yếu tố thời tiết bất lợi, thất thường làm giảm sức đề kháng của con tôm giống ngay sau khi thả đầu vụ sản xuất.
Ông Phạm Văn Bầu cùng với 15 hộ dân khác trong xã Thái Đô bắt đầu thả giống từ sau tiết thanh minh vừa qua. Bỗng nhiên, từ ngày 17 đến 20-5 phát hiện tôm sú chết rải rác khắp ao đầm. Tất cả 19 ao nuôi của người dân với bao công sức đầu tư bây giờ thành tay trắng.
Ở các xã Đông Minh, Nam Cường (huyện Tiền Hải) cũng xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt, gồm cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Người dân không rõ nguyên nhân vì sao tôm chết bất thường, cho dù đã lựa chọn con giống cỡ lớn và nuôi thả với mật độ phù hợp.
Tính đến hết ngày 22-5, hiện tượng tôm chết đã xảy ra tại 451 ao (115 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, 336 ao nuôi tôm sú) của 271 hộ, ở bảy xã thuộc hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy.
Tổng diện tích ao nuôi có tôm chết là 65,427 ha, số lượng giống thả hơn 16 triệu con.
Qua theo dõi, tại xã Thái Thượng (Thái Thụy), Đông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh và Nam Thắng (Tiền Hải) trong hai ngày qua không phát sinh thêm diện tích tôm chết, nhưng nguy cơ lây lan sang các vùng nuôi khác trên địa bàn là rất dễ xảy ra.
Tôm chết do dịch đốm trắng
Trước thông tin tôm chết hàng loạt tại các địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình thực hiện lấy 18 mẫu tôm bệnh ở bảy xã để xét nghiệm tại Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật của Chi cục tại TP Thái Bình.
Kết quả cho thấy, cả 18/18 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng do vi-rút. Theo các cán bộ chuyên môn, tôm đã bị vi-rút thì không có cách nào chữa trị, buộc phải tiêu hủy và dọn dẹp, vệ sinh lại môi trường nuôi thả bằng hóa chất chuyên dụng.
Qua phân tích của ông Phạm Thành Nhương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình thì có rất nhiều nguyên nhân gây nên mầm bệnh đốm trắng trên con tôm.
Đầu tiên là nguồn nước lấy vào nuôi đầu vụ có độ mặn thấp, việc xử lý nước trước khi nuôi cũng như cải tạo ao đầm của bà con chưa tốt, mầm bệnh tồn tại sẵn trong môi trường ao nuôi.
Từ đầu tháng 5 đến nay, diễn biến thời tiết phức tạp, ngoài nắng nóng, có những ngày gió đông bắc, nhiệt độ giảm nhanh, biên độ dao động nhiệt ngày đêm chênh lệch lớn. Có những ngày mưa rào to, lượng nước ngọt chảy vào ao nuôi nhiều làm cho điều kiện môi trường trong khu vực nuôi biến động về độ mặn, ô-xy, pH, kiềm… dẫn tới giảm sức đề kháng của tôm.
Bên cạnh đó, có một nguyên nhân đáng lưu tâm là quá trình phát hiện và xử lý ao bệnh của các hộ dân chưa kịp thời, để xảy ra thẩm lậu nước giữa các ao nuôi. Mầm bệnh lay lan giữa ao có bệnh và ao nuôi khác qua chim bắt tôm chết, cua, còng mang mầm bệnh.
Nguy cơ lây lan lớn, địa phương đề nghị hỗ trợ hóa chất
Thái Bình có tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ năm 2016 là hơn 3,5 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi tôm khoảng hơn 3 nghìn ha (diện tích tôm sú là gần 3 nghìn ha, còn lại tôm thẻ chân trắng).
Số lượng tôm giống đã thả trong vụ xuân hè này khoảng 368 triệu con (241 triệu tôm sú và 127 triệu tôm thẻ chân trắng). Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng xen kẽ với các đợt mưa đã làm cho một số yếu tố môi trường ao nuôi biến động, vượt quá ngưỡng cho phép dẫn đến tôm yếu, sức đề kháng giảm và phát sinh bệnh đốm trắng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các năm trước Thái Bình chỉ cần khoảng 7 đến 8 tấn hóa chất Chlorine để khống chế dịch, nhưng riêng năm nay do diện tích nuôi bị bệnh đốm trắng lớn, nên vừa qua tỉnh đã quyết định xuất tới 13 tấn hóa chất dự trữ để hỗ trợ cho các địa phương.
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh, lây lan là rất cao. Do đó, địa phương đã đề nghị Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) hỗ trợ hóa chất Chlorine cho tỉnh Thái Bình để chủ động khống chế bệnh dịch đốm trắng.
Trong những ngày tới, dự báo nhiệt độ môi trường tăng cao và cao hơn trung bình những năm gần đây gây ảnh hưởng lớn đến sức đề kháng của tôm. Tuổi của tôm đang trong giai đoạn rất mẫn cảm với việc phát sinh bệnh dịch, mầm bệnh đã tồn tại trong các vùng nuôi.
Ý thức phòng, chống dịch bệnh của các hộ nuôi chưa cao; điều kiện hạ tầng tại các vùng nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún và thô sơ do đó kiểm soát mầm bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, nếu các ao nuôi đã xác định rõ nguyên nhân gây bệnh mà không được xử lý hóa chất triệt để và bảo đảm theo đúng yêu cầu chuyên môn thì nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất dễ xảy ra trong một sớm, một chiều.
Trước mắt, trong lúc chờ hóa chất để tiếp tục xử lý dịch bệnh, tỉnh Thái Bình đã nhanh chóng có hướng dẫn cho bà con về việc thả giống sau khi xử lý bệnh dịch trên tôm nuôi và hướng dẫn các biện pháp chuyên môn phòng, phát hiện và xử lý bệnh đốm trắng ở tôm nuôi nước lợ.
Đây cũng chỉ là biện pháp tức thời của tỉnh để bà con các xã ven biển yên tâm sản xuất, giữ vững diện tích và quy mô vùng nuôi tôm nước lợ trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.