Nuôi TCX trên ruộng lúa tại Bạc Liêu đã và đang phát huy hiệu quả - Ảnh: Thanh Ngân
Tôm - lúa theo GAP
Hồng Dân là huyện thuần nông với diện tích tự nhiên 42.186 ha, trong đó diện tích đất sản xuất 2 vụ lúa/năm là 8.907 ha, sản xuất lúa - tôm là 217.311 ha. Ông Trần Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để khơi dậy tiềm năng cũng như cải thiện đời sống của người dân, huyện đã đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học vào sản xuất nông nghiệp - thủy sản. Một trong những đề tài được lãnh đạo huyện, tỉnh và bà con quan tâm nhất là mô hình nuôi tôm sú và TCX trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình được triển khai từ năm 2010, tập trung ở các xã Lộc Ninh, Ninh Hòa và Vĩnh Lộc, kết quả sau hai năm thực hiện cho thấy đa số các hộ nuôi đều có lời.
Ông Trần Thanh Tuyền, một hộ nuôi điển hình trong vùng cho biết: Gia đình ông có 7 ha trồng lúa kết hợp với nuôi TCX, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng/vụ. Vụ nuôi năm nay, nhà ông đang háo hức bắt tay vào cải tạo đồng ruộng, thu mua con giống thả nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ông cho biết thêm, mô hình nuôi TCX theo tiêu chuẩn VietGAP đang mang lại lợi nhuận cao, không gây hại môi trường nên được rất nhiều hộ dân trong địa phương ủng hộ. Hay như gia đình anh Trần Văn An, ấp Ngô Kinh, xã Ninh Thạnh Lợi với 4 ha thả nuôi TCX, trừ chi phí thu lãi hơn 48 triệu đồng mỗi vụ.
Vụ nuôi năm 2011 đến đầu năm 2012, tổng diện tích nuôi TCX của tỉnh Bạc Liêu là 11.300 ha với khoảng 8.500 hộ, năng suất bình quân 100-250 kg/ha. Tính đến tháng 2/2012, huyện Hồng Dân đã thu hoạch xong diện tích TCX trên lúa, năng suất đạt từ 90-100 kg/ha/vụ.
Kinh nghiệm hay
Đạt được những thành tựu không nhỏ đó là sự phấn đấu không ngừng của các hộ nông dân trong việc học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tốt quy trình nuôi TCX theo tiêu chuẩn VietGAP từ con giống, môi trường, thức ăn, bảo quản và tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm sạch, không gây ô nhiễm môi trường, có hiệu quả kinh tế cao.
Trong quá trình nuôi, người dân cần chú ý tới việc thay nước định kỳ 15 ngày/lần, luôn giữ mực nước sâu ổn định; thả giống ở mật độ thấp =< 2 con/m2, thả giống đúng lịch thời vụ khuyến cáo. Chọn giống đạt chất lượng, đã được kiểm dịch. Ngoài ra, tùy vào chất lượng nước có bón phân, bón vôi bổ sung trong đầm nuôi.
Qua 2 năm thực hiện, mô hình đã góp phần tăng lợi nhuận cho các hộ dân ở Hồng Dân từ 8,6 - 16,7 triệu đồng/ha. Từ mô hình này, huyện đã thay đổi được tập quán canh tác từ quảng canh sang bán thâm canh. Đến nay, mô hình đã nhân rộng trong toàn huyện được hơn 600 ha.
>> Tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là quy phạm thực hành sản xuất tốt được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.