Thường từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 10 dương lịch là thời điểm của nghề đăng cá đối. Lưới đăng cá đối là lưới mành. Mỗi gia đình có khoảng hơn 2 ngàn mét lưới đánh bắt cá đối, qua một mùa bà con sẽ vá lại hoặc thay lưới khác.
Trước khi bắt đầu chuyến đánh bắt, vợ chồng ông Ngô Văn Tư (Tư Bánh) chuẩn bị lại lưới, xở lưới, làm sạch rác. Ông Tư Bánh tâm sự: “Nghề này tuy cực nhưng mỗi ngày thu nhập cũng được 200-300 ngàn đồng. Những lúc vô con nước cũng được 400-500 ngàn đồng. Những ngày biển động nhiều thì ở nhà, đợi hết gió thì đi”.
Công việc của bà con làm nghề đăng cá đối bắt đầu từ sáng sớm đi thăm lưới một lần, trưa thăm một lần, rồi đến chiều thăm lần cuối. Giữa chòng chành của ngọn sóng, niềm vui của người dân là thu được nhiều cá đối to, mập. Năm nay giá cá đối tăng nhẹ, bà con phấn khởi. Tuy nhiên, do biển động nên đánh bắt gần bờ không thu được nhiều.
Những con cá tươi được bà con muối lại đợi đến chiều bán cho chủ vựa.
Cá đối được chia làm 4 loại: Cá nhất có giá 80 ngàn đồng/kg, cá nhì 45 ngàn đồng/kg, cá ba 35 ngàn đồng/kg, cá “cua” có giá 20 ngàn đồng/kg (thường dùng làm mắm). Ông Đoàn Minh Tân (Ba Tân) giãi bày: “Còn cá thì còn làm, chớ lớn tuổi rồi biết làm nghề gì, nhiều khi đăng thất cũng không đủ sống”.
Danh Mọt năm nay 16 tuổi, không đi học mà hàng ngày theo anh ruột làm nghề đăng cá đối. Em tâm sự: “Thấy nhà khó khăn nên theo anh đi làm phụ mẹ, có nhiêu đỡ nhiêu. Nhìn mấy bạn đi học em cũng buồn, em ước một lần được đi học”.
Kết thúc một ngày chênh vênh giữa biển, bà con có thể thu hoạch trung bình từ 5-10 kg cá đối. Cá đối tươi ngon nên được các chủ vựa thu mua giá cao. Tuy nghề này không bền vững nhưng bà con miền biển vẫn mong sóng yên biển lặng để tiếp tục bám trụ với nghề./.