200 chuyên gia sinh học trên toàn thế giới đã tham gia nghiên cứu về nguy cơ đối với loài bò sát qua 1.500 loài được lấy mẫu ngẫu nhiên. Kết quả cho thấy cứ 5 loài bò sát thì có một loài xếp vào nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống mà tác nhân chính là hoạt động của con người. Rắn, rùa, cá sấu, thằn lằn… đang phải vất vả vật lộn với môi trường để tồn tại.
19% loài bò sát bị xếp vào dạng có nguy cơ biến mất khỏi hành tinh xanh. Trong số những loài bị đe dọa thì có 12% bị coi là cực kỳ nguy cấp với khả năng tuyệt chủng cao nhất. 41% được xếp vào hàng nguy cơ tuyệt chủng và 42% là dễ bị tuyệt chủng. Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Bảo tồn sinh học.
Hiệp hội Động vật London và Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) cho biết mối đe dọa lớn nhất đối với các loài bò sát là môi trường sống của chúng bị xâm hại nghiêm trọng dưới tác động của con người như nạn phá rừng, phát triển nông nghiệp, khai thác gỗ, phát triển đô thị tràn lan… Các loài bò sát sống trong môi trường nước ngọt, các vùng nhiệt đới và biển đảo đang có nguy cơ lớn nhất với 30% các loài bên bờ tuyệt chủng.
Nghiên cứu cảnh báo rằng có đến một nửa loài rùa nước ngọt không chỉ bị ảnh hưởng môi trường sống mà còn bị đe dọa bởi giao thương quốc tế. Các loài bò sát trên mặt đất có nguy cơ thấp hơn, nhưng một số loài bị hạn chế với môi trường sống riêng biệt hoặc tính cơ động thấp cũng bị đè nặng dưới áp lực của con người.
Ở Haiti, trong số 9 loài thằn lằn Anolis thì có đến 6 loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao vì nạn phá rừng đang lan tràn trên đảo. Bản báo cáo cũng chỉ rõ 3 loài trong đó đang cực kỳ nguy cấp vì trong các lần tìm kiếm gần đây các chuyên gia đã không thành công khi tìm dấu vết 2 loài.
Báo Daily Mail dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng không chỉ đặc biệt nhạy cảm với sự biến đổi môi trường, loài bò sát còn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, chúng vừa là kẻ săn mồi vừa là con mồi cho loài khác.