Nặng nợ với dòng sông
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp đến tham quan trại cá của ông Lý Văn Bon (hay còn gọi là ông Bảy Bon, ngụ phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).
Nuôi cá trên sông vốn không phải là cảnh xa lạ ở miền Tây sông nước, nhưng nuôi cá để bảo tồn như ông Bon thì không là phải điều dễ tìm. Hơn 20 năm tìm tòi và nuôi cá trên dòng sông Hậu, đến nay, điều mà ông Bon làm được chính là bảo tồn được những loài cá quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và giới thiệu đến mọi người.
Ông Nguyễn Văn Bon và những bên hồ cá nuôi những giống có nguy cơ tuyệt chủng miền Tây. Ảnh cắt từ clip: Phong Linh
"Tất nhiên đó là một sự khó khăn, ở giai đoạn đầu và cả thời điểm hiện tại, bởi biến đổi khí hậu biểu hiện qua thời tiết bất thường đang trực tiếp ảnh hưởng đến việc nuôi trồng của nông dân miền Tây, trong đó có cả tôi.
Thế nhưng tôi cũng làm vì nặng nợ với dòng sông này. 10 năm sau khi tích lũy kinh nghiệm nuôi giống cá thác lác để làm kinh tế, tôi cố gắng tìm thêm những giống cá hiếm để bảo tồn trên sông, cốt vì đam mê và để lan tỏa tình yêu môi trường" - ông Bon chia sẻ.
Theo lời kể của ông Bon, có khá nhiều giống cá đang có nguy cơ tuyệt chủng ở miền Tây, trong đó, cá chốt chuột và cá chạch lửa là 2 loài tiêu biểu.
Cá chốt chuột, mình bông, có lúc da màu vàng, lúc da màu đen. Ảnh: Bảo Kỳ
Đối với cá chốt chuột, ông Bon cho biết vào khoảng năm 2011 - 2012, cá này đang giảm dần trên thị trường do không thích nghi được với nguồn nước, việc cho cá sinh sản lại là điều khó khăn hơn nên ông tìm tòi, học hỏi rất vất vả.
Loài cá này có kích thước nhỏ, da trơn. Toàn thân cá chốt chuột có màu đen có hoa văn ngang, màu vàng hoặc trắng,... tùy màu nước mà cá sinh sống sẽ có màu da khác nhau.
Thịt cá ngon, ngọt, mềm, lành tính và dễ ăn nên trước đây ngư dân đánh bắt tận diệt nhiều để cung cấp cho thị trường.
Kỳ công bảo tồn, nhân giống
Để bảo tồn chúng, ông Bon nuôi từ lúc cá bột đến khi sinh sản mất khoảng một năm. Tập tính sinh sản của cá chốt chuột rất đặc biệt, các tháng hạn chúng sống ở sông, rạch nhưng đến mùa mưa thì tìm đến bờ ruộng để giao phối.
Khi nuôi trong lồng bè, người nuôi phải cho cá ăn đủ chất dinh dưỡng để cá mang trứng. Tiếp đến là phải tạo mưa nhân tạo, cũng như nhiệt độ, ánh sáng,... rồi thả cá đực vào để cá đẻ tự nhiên.
Nhân giống cá chốt chuột rất kỳ công và mất nhiều công sức. Ảnh: Nhật Huy
Với cách đó thì sản lượng không cao nên ông Bon phải mổ cá đực để lấy tinh trùng nên mỗi đợt giao phối, lượng cá đực bị hao hụt nhiều.
"Giống cá này hơi cực về khâu chăm sóc vì nó có tập tính ăn đêm. Do vậy, tôi phải tạo môi trường giả, cho lục bình để tạo độ che phủ cho cá. Khi cá còn nhỏ, cá ăn thức ăn tự nhiên, sau đó mới chuyển sang thức ăn công nghiệp" - ông Bon nói thêm.
Còn đối với giống cá chạch lửa, việc bảo tồn nó cũng không phải là điều dễ dàng. Đến thời điểm này, ông Bon chỉ nuôi cá trong thùng chứa oxy do ông tự thiết kế. Định kỳ hàng tuần ông phải thay nước, loại bỏ cặn bẩn, giữ cho các chất hữu cơ hòa tan được pha loãng và tăng lượng oxy cho sức khỏe tổng thể.
Cá chạch lửa, một giống cá đang có nguy cơ tuyệt chủng trên dòng sông Hậu. Ảnh: Đỗ Thanh Trọng
Độ pH và dH nằm trong phạm vi thích hợp thì cá mới có thể phát triển tốt. Đặc biệt, cá chạch lửa có bản chất lãnh thổ, nó không thể được nuôi chung với loài cá khác.
"Tất nhiên, không phải việc làm nào cũng dễ dàng, tôi biết thế nên cố gắng qua từng năm. Hiện tại, tôi cũng góp được ít nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn những giống cá này.
Ngoài việc đưa người dân ngoài đến đây tham quan, tôi còn mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước đến mọi người. Bởi, có những giống cá sẽ dễ tạo môi trường nhân tạo để duy trì sự sống, nhưng cũng có những giống cá nếu biến đổi đổi khí hậu khắc nghiệt sẽ biến mất vĩnh viễn, điều này thật sự rất tiếc" - ông Bon nói thêm.