Các nhà khoa học châu Âu và Australia phát hiện loài kiến Lasius neglectus sẽ loại trừ những con nhiễm bệnh nặng trong đàn, tránh dịch bệnh lan rộng, UPI hôm 9/1 đưa tin. Những con bị giết đều ốm nặng và không thể phục hồi sức khỏe.
Các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí eLife. Họ tìm hiểu phản ứng của đàn kiến với những con nhiễm Metarhizium, loài nấm chết chóc có thể lây truyền giữa những cá thể kiến.
Ảnh: Wikipedia
"Lũ kiến có thể ngửi xem các thành viên trong đàn có ốm đến mức không thể cứu chữa không. Loài nấm này sẽ trở thành mối nguy hiểm đối với cả đàn dù chỉ một con mắc phải, do đó, chúng nghĩ ra một biện pháp hiệu quả là giết những con nhiễm bệnh quá nặng", Christopher Pull, nhà nghiên cứu tại Đại học London, cho biết.
Các cuộc kiểm tra cho thấy đàn kiến giết đồng loại bằng cách tiêm nọc độc chứa axit formic vào người chúng để diệt trừ cả nấm lẫn sinh vật mang bệnh.
"Trước tiên lũ kiến vẫn cố gắng loại bỏ nấm. Chúng chăm sóc cho những thành viên mắc bệnh trong đàn bằng cách cọ mạnh vào cơ thể để loại bỏ các bào tử nấm. Nếu vẫn không hiệu quả, chúng sẽ giết những con nhiễm bệnh", giáo sư Sylvia Cremer tại Viện Khoa học Công nghệ Áo giải thích.
Kiến tiết ra các hợp chất hữu cơ hydrocarbon ở lớp giáp ngoài. Những hợp chất này đóng vai trò như một cơ chế trao đổi thông tin. Nhóm nghiên cứu nhận thấy kiến mắc bệnh sẽ tiết ra nhiều hydrocarbon hơn, thể hiện rõ tình trạng sức khỏe của chúng.
Các tế bào trong cơ thể con người cũng hoạt động theo cách tương tự. Tế bào nhiễm bệnh phát ra những tín hiệu hóa học để giúp hệ miễn dịch xác định và tấn công.
"Đây thực sự là một phát hiện thú vị. Lũ kiến trong đàn phối hợp với nhau như các tế bào trong cơ thể. Những con khỏe mạnh đóng vai trò như tế bào bạch cầu, tiêu diệt những con kiến có khả năng trở thành mối đe dọa", Pull nhận xét.