Nhiều diện tích rừng ngập mặn được trồng tại vùng biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây đã bắt đầu phát huy tác dụng trong việc che chắn cho đất liền trong mùa mưa bão.
Tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài những vùng được quy hoạch trồng rừng ngập mặn để bảo tồn hệ sinh thái còn có những khu vực rừng trồng phân tán của người dân.
Những cánh rừng ngập mặn xanh tốt không chỉ tạo ra những khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản mà còn giúp mặt nước phá Tam Giang như khoác lên màu áo mới, thu hút nhiều du khách. Trong 5 năm qua, xã Quảng Lợi đã trồng hơn 50 héc ta rừng ngập mặn, chủ yếu cà cây bần, đước. Đến nay, diện tích rừng này phát triển tốt gắn với việc tạo sinh kế cho người dân.
Ông Trần Văn Quyết, ngư dân thôn Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Ở đây có một lợi thế là rừng ngập mặn rất đẹp, trải dài quanh Phá Tam Giang, với diện tích lớn. Mục đích thứ nhất là trồng để chống lũ lụt, chống thiên tai. Thứ hai là sau này nếu du lịch phát triển thì sẽ có địa hình rất là đẹp có cây bần chua, với cây dừa nước, có những khe rạch để du khách đi trải nghiệm thực tế".
Xã Hương Phong, thị xã Hương Trà cũng là địa phương ven phá Tam Giang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Ngoài bảo tồn khu rừng ngập mặn Rú Chá, chính quyền các cấp tập trung tạo khu vực trồng dừa nước với mục tiêu tạo hệ sinh thái gắn liền phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã trồng mới gần 20ha rừng ngập mặn.
Rừng ở Rú Chá đang được tiếp tục trồng mở rộng.
Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, nguồn lợi thủy sản đầm phá theo đó được bảo tồn phát triển.
"Mới bước đầu, chúng tôi có khu vực trồng rừng Rú Chá và thí điểm là mô hình ở Cồn Đò. Đề nghị các cấp chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi, để có các chương trình, dự án, để phát triển mở rộng tuyến từ Cồn Tè đến vùng cặp Phá Tam Giang ở riêng địa bàn xã Hương Phong, để các hồ nuôi bảo đảm trồng rừng ngập mặn che phủ để thuận tiện việc nuôi trồng thủy sản mang tính bền vững hơn", ông Én nói.
Những năm qua, mưa bão đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các địa phương vùng ven biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều tuyến đê bao kiên cố bị phá vỡ, đe dọa cuộc sống người dân.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng việc bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn sẽ tạo ra những giá trị lớn.
"Các vành đai cây khi đã trưởng thành sẽ có tác dụng cản sóng, bảo vệ tích cực vành đai cho hệ thống đê điều phía trong, cũng như bảo vệ cho hệ thống đê nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, chống xói mòn đất cũng như bảo vệ cho khu dân cư ven biển đầm phá", ông Hùng nói.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2015, dự án đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá được triển khai trên địa bàn 5 huyện, thị xã ven biển, đầm phá với nguồn kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng của Trung ương. Đây là dự án nhằm bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Kể từ khi thực hiện dự án, nhiều khu rừng ngập mặn được hình thành.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế cho biết, dự án đầu tư phát triển rừng vùng đầm phá ven biển của Thừa Thiên Huế dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành. Năm nay, sẽ hoàn thành trước việc trồng rừng Chá, rừng trên cát và rừng ngập ngọt và rừng ngập mặn.
"Ở đây, chúng tôi vừa trồng rừng vừa tạo ra những kênh mương thủy tạo, nơi mà thuyền bè có thể đi lại trong rừng, để sau này có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái", ông Dũng nhấn mạnh.