Cà Mau là tỉnh trọng điểm về nuôi tôm với 300.000 ha, chiếm gần 28% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước và 30% diện tích nuôi trồng thủy sản khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đạt hơn 1 tỉ USD. Ngành tôm Cà Mau đang đóng góp tích cực vào GDP cả nước. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nuôi tôm ở Cà Mau đang gặp khó ở khâu tổ chức sản xuất, không kết nối được đầu vào và đầu ra nên chi phí, giá thành sản xuất tôm của Cà Mau cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì thế, việc tham gia vào dự án sẽ giúp tỉnh giải quyết được khó khăn, tiến tới sản xuất bền vững ngành hàng tôm trong thời gian tới.
Mục tiêu của dự án là cải thiện các vấn đề mà Cà Mau đang gặp khó trong thực hiện mối liên kết giữa nông dân, người thu mua tôm và công ty chế biến thuỷ sản. Nông dân còn phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường và giá cả thay đổi (bao gồm cả đầu vào lẫn đầu ra); sự đàm phán trong hợp đồng, thoả thuận giữa nông dân với nhà chế biến, người thu gom tôm còn yếu. Thiếu các nhà đầu tư và các đối tác có trách nhiệm xã hội trong phát triển chuỗi giá trị tôm (bao gồm ngân hàng và các nhà đầu tư khác)…
Quang cảnh buổi hội nghị
Nhiều hộ dân, doanh nghiệp và cả đại diện hợp tác xã đều khẳng định: Dự án đã giúp họ thay đổi tư duy sản xuất; giải quyết được vấn đề kháng sinh trong nuôi tôm và thiết lập được mối liên kết giữa nông dân, người thu mua tôm và công ty chế biến thủy sản.
Dự án được triển khai tại 4 xã của 3 huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Ðầm Dơi. Trong 3 năm dự án triển khai đã có gần 1.400 người hưởng lợi trực tiếp từ dự án; 3 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác đã xây dựng được kế hoạch điều hành và kinh doanh; 16 doanh nghiệp được đào tạo kiến thức, kỹ năng liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong kinh doanh; 3 vùng nuôi tôm theo tiêu chuẩn xuất khẩu được thiết lập bởi Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị tôm gồm: các nhà sản xuất tôm, cộng đồng, người thu mua, người chế biến.