Bền bỉ bám nghề truyền thống
Vừa trở về sau chuyến biển kéo dài 15 ngày ngoài khơi xa, ngư dân Ngô Thanh Phong, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), vui mừng cho biết: “Tàu của tôi trúng đậm hơn 8 tấn cá cờ và cá ngừ đại dương. Đây là một trong những chuyến biển bội thu nhất của tôi trong 2 năm trở lại đây”.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề lưới rê, ngư dân Ngô Thanh Phong đã tiếp bước người cha bám biển bằng nghề này. Song, nếu như thế hệ đi trước chỉ làm nghề lưới rê gần bờ, thì ngư phủ sinh năm 1980 này lại mạnh dạn sắm tàu lớn đến 880CV, trị giá 3,5 tỷ đồng để vươn khơi. “Tôi chuyên săn các loại cá lớn như cá thu, cá ngừ đại dương, cá cờ... Trọng lượng mỗi con có khi lên đến 1 - 2 tạ. Do đó, phải mạnh dạn sắm tàu to, máy lớn mới vừa vươn được khơi xa, vừa chứa được nhiều hải sản”, chủ tàu Ngô Thanh Phong bày tỏ.
Ngoài hiện đại hóa tàu cá, để phát triển nghề, các ngư dân làm nghề lưới rê trên địa bàn tỉnh còn mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ để nâng cao hiệu quả đánh bắt. “Ba năm nay, tôi đầu tư lưới rê chất lượng cao. Kinh phí cho một bộ lưới rê chất lượng cao (với 200 tấm lưới) khoảng 1,3 tỷ đồng. Từ khi sắm lưới mới, sản lượng đánh bắt đạt rất cao, tỷ lệ thất thoát cá do rách lưới thấp”, ngư dân Nguyễn Thành Sơn, ở phường Phổ Quang chia sẻ.
Không chỉ phát triển loại lưới rê với kích thước mắt lưới rộng từ 15 - 20cm để đánh bắt các loại cá lớn, ngư dân làm nghề lưới rê trên địa bàn tỉnh còn chuộng loại mắt lưới rộng từ 3 - 4cm để đánh bắt cá chuồn. Từ đó, hình thành nên các làng chài chuyên làm nghề lưới rê cá chuồn nức tiếng như Tân Thạnh, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), Định Tân, ở xã Bình Châu (Bình Sơn)... “Đây là nghề mà giá cá giữ ở mức ổn định từ 23 - 28 nghìn đồng/kg. Hơn nữa, sản lượng đánh bắt ở mỗi chuyến biển cũng ở mức trung bình, hoặc khá, ít khi bị lỗ tổn. Vậy nên, chúng tôi cứ thế bám nghề, chứ không chuyển đổi”, ngư dân Trần Bình Nguyên, ở xã Nghĩa An, người gắn bó với nghề lưới rê cá chuồn 26 năm nay bộc bạch.
“Từ năm 2019 đến nay, ngư dân làm nghề lưới rê trên địa bàn tỉnh liên tục được mùa. Đây được xem là giai đoạn hoàng kim của nghề này. Với đặc thù kích thước mắt lưới lớn, chỉ đánh bắt các loại cá có kích thước vừa và lớn, nghề lưới rê cùng với nghề câu được coi là nghề đánh bắt thân thiện với môi trường nhất trong tất cả các nghề đánh bắt trên biển hiện nay. Tàu làm nghề lưới rê trên địa bàn tỉnh hiện chiếm 27%, đứng thứ 2 trong cơ cấu nghề đánh bắt trên biển của tỉnh".Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản(Chi cục Thủy sản tỉnh) Lê Minh Đức
Đoàn kết, tương trợ nhau
Không vươn khơi riêng lẻ, những ngư dân làm nghề lưới rê thường bám biển theo tổ đội, hoặc theo nhóm nhỏ để sẻ chia, tương trợ lẫn nhau.
Xã Nghĩa An là địa phương có số lượng tàu làm nghề lưới rê cá chuồn nhiều nhất tỉnh. Toàn xã có 220 tàu làm nghề này được ngư dân chia làm 12 tổ đội, nhằm tương trợ lẫn nhau khi vươn khơi. “Chúng tôi ra khơi theo tổ để cùng chia sẻ với nhau vị trí luồng cá, hoặc đôi khi là lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn có một quỹ riêng để khi anh em trong tổ gặp sự cố trên biển, thì có nguồn tiền để xoay xở. Như năm 2016, thành viên của tổ gặp sự cố tàu bị chết máy trên biển thì một tàu khác trong tổ liền lai dắt về bờ an toàn. Chi phí nhiên liệu được trích một phần từ quỹ, nên chủ tàu bị nạn cũng đỡ được phần nào”, ngư dân Trần Minh Tân, ở xã Nghĩa An chia sẻ.
Không chỉ đoàn kết trên biển, ngư dân làm nghề lưới rê còn sẵn sàng chia sẻ với nhau kinh nghiệm, bí quyết để phát triển, nâng tầm nghề truyền thống. “Giai đoạn 2015 - 2019 được xem là khoảng thời gian “đại hạn” của nghề lưới rê. Ngư dân làm nghề này liên tục lỗ tổn, khi lưới liên tục bị các loại cá to làm rách gây thất thoát hải sản. Thế rồi, khi một vài ngư dân tiên phong tìm mua, nhập loại lưới rê Thái Lan về để đánh bắt và gặt hái được sản lượng cao, họ đã không giấu nghề mà nhiệt tình hướng dẫn lại cho các ngư dân khác. Từ đó, nghề lưới rê trên địa bàn phường trở nên khởi sắc và phát triển vượt bậc”, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) Võ Xuân Cẩm cho hay.