Ngày 26-11-2018 vừa qua, UBND tỉnh Long An đã ban hành công văn số 5635/UBND-KT về tăng cường công tác quản lý hoạt động ương cá tra giống.
Theo đó tỉnh này này yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện có ương cá tra giống xử lý nghiêm việc ương nuôi không theo quy hoạch để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn việc tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi thủy sản không theo quy định.
Công văn nêu trên của UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tập huấn kỹ thuật cho nông dân; theo dõi, giám sát dịch bệnh trong ương cá tra giống; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định lại diện tích nuôi cá tra giống trên địa bàn để có hướng đầu tư hạ tầng vùng nuôi bảo đảm phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Long An ra công văn yêu cầu như trên khi diện tích ao ương nuôi cá tra giống tự phát của địa phương này đã lên đến cả ngàn héc ta thì liệu có quá muộn?
Thực tế, các số liệu thống kê cho thấy, diện tích nuôi cá tra giống của tỉnh Long An hiện đã lên đến gần 2.000 héc ta, tập trung ở 2 huyện là Tân Thạnh và Vĩnh Hưng. Đây là con số diện tích khủng khiếp, bởi chỉ khoảng 2 năm trước tỉnh Long An không phải là địa phương sản xuất loại thủy sản này.
Trao đổi với TBKTSG Online về câu chuyện nêu trên, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, thật ra đối với chuyện đào ao ương cá tra giống, vào cuối năm 2017, VINAPA và Tổng cục Thủy sản cũng đã đánh giá và từ đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND các địa phương tăng cường quản lý, tránh phát triển nóng. “Nhưng kiểm soát không nổi”, ông thừa nhận.
Theo ông, còn bây giờ tỉnh Long An chỉ đạo tiếp thì rõ ràng có hơi muộn, nhưng quan trọng là vấn đề thực thi chỉ đạo như thế nào? “Trong câu chuyện này thường do thị trường quyết định việc chuyển đổi của nông dân, chứ sự vào cuộc của chính quyền gần như chưa phát huy mạnh mẽ lắm”, ông cho biết.
Một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không muốn nêu tên cũng nói rằng, việc chỉ đạo kiểm soát khi diện tích sản xuất tự phát đã phát triển bừng nổ, thậm chí đã ở đỉnh điểm thì không còn nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển hài hòa, ông Quốc gợi ý, cần có sự liên kết chặt giữa người nuôi và doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. “Đặc biệt, các địa phương cũng cần phải liên kết với nhau để quản lý tốt về sản lượng, chứ với đà tự phát này thì rất có thể sẽ tái diễn khó khăn”, ông cho biết.