Những số liệu khủng khiếp từ Cục Nuôi trồng - Bộ NNPTNT: Năm 2011 toàn vùng ĐBSCL có trên 100.000ha tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, thiệt hại hơn 5.000 tỉ đồng. Mùa tôm năm 2012 này dù diện tích thiệt hại ít hơn, nhưng cũng vượt qua con số 86.000ha.
Hai năm chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh
Giật mình bởi dịch bệnh tôm ở ĐBSCL đã được phát hiện hai năm nay với tên gọi là “hội chứng viêm gan, tuỵ cấp”. Các nhà khoa học đã đoán trúng bệnh, nhưng thuốc đặc trị thì chưa, bởi cơ chế gây nên dịch bệnh vẫn còn nằm trong bóng tối. Tháng 5.2011, đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã “đặt hàng” Cục Nuôi trồng, các viện nghiên cứu phối hợp các các tổ chức nuôi trồng thuỷ sản quốc tế tìm cho ra nguyên nhân gây nên dịch bệnh tôm ở ĐBSCL. Từ đó đến nay, nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh tìm hiểu nguyên nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện NTTS II – Bộ NNPTNT - cho rằng: “Nguyên nhân có thể do lượng kháng sinh có trong thức ăn, lâu ngày tích tụ vào đất bùn đáy ao gây nên. Lượng kháng sinh này đã được người nuôi xử lý, tưởng rằng hết, nhưng vẫn còn tích tụ lại. Chính vì vậy, để hạn chế cần phải cắt vụ, nghỉ nuôi một vài năm”.
Một nghiên cứu của chuyên gia Trung Quốc lại cho rằng có thể do sự biến đổi của vỏ trái đất, ảnh hưởng của nhiều lần động đất làm cho bề mặt vỏ trái đất ảnh hưởng, khiến cho có nhiều loại dịch bệnh mới. Hội chứng viên gan, tuỵ trên tôm là một bằng chứng! Và câu trả lời mới nhất mà chúng tôi nhận được: Cuối tháng 11 này, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội thảo ở Bến Tre và hình như sẽ có câu trả lời (!).
Câu chuyện khác: Là người gắn bó với ngành thuỷ sản trên 20 năm, theo con tôm sú từ khi mới ra trường, ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng - nhìn nhận: “Con tôm sú rất khó nuôi, nhất là nuôi dày theo kiểu mà người ta thường nói là công nghiệp - bán công nghiệp. Dù nuôi công nghiệp, nhưng thực tế là nó rất thủ công. Điều này lý giải tại sao cùng một nguồn nước, cùng loại giống, cùng thức ăn, cùng thả một lượt, nhưng vuông bên đây trúng, bên kia lại chết”.
Thực tế cho thấy Cty TNHH Vĩnh Thuận (thị xã Vĩnh Châu) nuôi theo mô hình khép kín tiêu chuẩn Glopal Gap, ACC. Với diện tích gần 200ha Cty đang trụ vững nhiều năm nay, dù nơi này, nơi khác tôm nuôi đang chết.
Tại Bạc Liêu, ông Phạm Khắc Nhật Tiến có 34ha nuôi 67 ao theo mô hình trên cũng cho kết quả tốt. Ông Tiến đang xúc tiến thành lập Cty TNHH Thuận Nhân tại huyện Đông Hải với quy mô trên 100ha.
Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - thừa nhận: “Muốn nuôi tôm thành công phải áp dụng quy trình kỹ thuật cao. Không thể nuôi nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy nuôi được nữa. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang gặp khó do người dân đã hết vốn, đất đai hầu hết đã thế chấp cho ngân hàng, nên muốn áp dụng mô hình sản xuất theo hướng Viet Gap hay Glopal Gap rất khó khăn”.
Đây không phải là chuyện mới, nhưng điều đáng nói là UBND các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... đến thời điểm này vẫn chưa quy hoạch được vùng nuôi, dù rằng diện tích đã lên đến trên 680.000ha.
Con tôm vẫn hẹp đường bơi
Sau hơn 13 năm người nuôi tôm tại ĐBSCL làm quen với con tôm sú, họ đã quá quen với tập tính của loại thuỷ sản này, nên sẽ khó thuyết phục khi cho rằng người dân nuôi ồ ạt, phá vỡ quy hoạch như hiện nay là nằm ngoài sự tính toán, kiểm soát của chính quyền.
Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - cho rằng, đầu tư cho con tôm vẫn chưa tương xứng với hiệu quả kinh tế mang lại. Cụ thể, hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho việc nuôi tôm chưa được đầu tư đồng bộ, không theo kịp tốc độ bồi lắng của các kênh ăn thông ra biển. Theo quy hoạch được duyệt, vùng nuôi tỉnh Bạc Liêu trên 6.000ha; Sóc Trăng 14.000ha, Cà Mau 3.600ha - những con số quá khiêm tốn so với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của toàn vùng. Hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư, sản xuất manh mún, thiếu liên kết, khiến cho con tôm đã khó càng thêm khó.
Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng - phân tích: “Sóc Trăng có trên 48.000ha nuôi theo mô hình công nghiệp - bán công nghiệp thuộc sở hữu của trên 40.000 hộ dân. Trung bình mỗi hộ sở hữu trên 1ha. Với mức sở hữu đất đai như vậy khiến chúng tôi rất khó khăn trong việc áp dụng mô hình nuôi tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật”.
Nhận ra được điều này, năm 2009 Sở NNPTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản cấm người dân huyện Mỹ Xuyên thả tôm nghịch mùa, nuôi không đúng lịch thời vụ. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng không giải ngân cho người nuôi tôm trái thời vụ; các trại giống không được bán tôm giống cho người dân. Do thực hiện tốt chế tài này mà huyện Mỹ Xuyên đã thả giống đồng loạt, chuyện ô nhiễm môi trường, nguồn nước ít xảy ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhưng hình như đó chỉ là chuyện nội bộ của tỉnh Sóc Trăng. Bằng chứng là khi chúng tôi đề cập đến chuyện chế tài đối với những hộ nuôi tôm bất tuân lệnh chính quyền, dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua, câu trả lời của bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - là... cười và im lặng (!).
Cũng theo bà Oanh: Thiếu chế tài, cộng với công tác dự đoán, dự báo, quan trắc môi trường từng vùng và liên vùng chưa được quan tâm là rào cản thật sự đối với người nuôi tôm. Bà Oanh nói: “Nếu công tác quan trắc môi trường liên vùng được thực hiện tốt hơn, người dân được cảnh báo tốt hơn thì dịch bệnh và thiệt hại chắc không đến mức tệ hại như bây giờ”.
Hết dịch bệnh đến “dịch” giá
“Chưa xong chuyện dịch bệnh, chúng tôi lại phải đối mặt với nỗi lo “dịch” giá, ông Trương Văn Định - Trưởng ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình - đưa tay làm động tác thể hiện sự ngao ngán, bất lực. “Năm 2001 giá một bao thức ăn chỉ 16.000 đồng/kg, trong khi giá tôm sú là 170.000 đồng/kg; bây giờ một bao thức ăn đã lên đến 36.000 đồng, trong khi giá tôm sú chỉ 130.000 đồng/kg. Lúc trước thời gian nuôi chỉ kéo dài tối đa 4 tháng, bây giờ đến 6 tháng mới thu hoạch. Chính vì vậy bà con chúng tôi hay nói vui, sợ dịch bệnh không bằng sợ giá”.
Ông Nguyễn Văn Cương - người nuôi tôm ở thành phố Bạc Liêu - vừa thu hoạch 3ha ao tôm sau 6 tháng nuôi, sau khi trừ chi phí ông lời đúng 25 triệu đồng. Ông ngán ngẩm, nói mà không thèm nhìn mặt khách: “Nếu tôi xách 800 triệu đồng gửi ngân hàng cũng kiếm được trên 20 triệu tiền lãi rồi. Nuôi tôm thêm được có 5 triệu đồng, nhưng ở ngoài đồng 6 tháng trời ngày đêm nơm nớp lo sợ đủ điều”. Ông bảo “nghịch lý này như một bóng ma luôn ám ảnh người nuôi tôm chúng tôi suốt mấy năm qua”.
“Đó là chưa nói đến chuyện đầu ra cho sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam cũng đang gặp khó ở thị trường quốc tế” - ông Đỗ Ngọc Tài - Giám đốc Cty chế biến thuỷ sản Ngọc Trí, Bạc Liêu - góp chuyện. Theo ông Tài, hiện tại giá tôm sú tại Việt Nam cao hơn Ấn Độ, Thái Lan 1USD/kg.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) Trần Thiện Hải bổ sung: “Giá tôm Việt Nam đang cao hơn tôm của các nước. Điều này có thể do các nước trúng tôm, hoặc họ áp dụng công nghệ làm thế nào để giảm chi phí. Đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam hiện nay đang tồn kho với số lượng rất lớn. Các doanh nghiệp không thể mua giá cao hơn được nữa. Đã đến lúc người nuôi phải nghĩ tới sản phẩm mình làm ra bán cho ai, giá bao nhiêu? Không nên nuôi lấy được và có khi phải dừng nuôi, do càng nuôi càng lỗ”.
Không biết ngày mai giá tôm cao hay thấp; hai năm rồi vẫn chưa có nhà khoa học nào tìm ra thuốc đặc trị cho căn bệnh hội chứng viên gan, tuỵ cấp; sau 13 năm vẫn chưa có tỉnh nào của khu vực ĐBSCL hoàn chỉnh quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp... Sau 13 năm phá lúa “trồng” tôm, hàng trăm ngàn người dân nuôi tôm sú ở ĐBSCL vẫn không còn hướng đi nào sáng hơn ngoài việc vẫn đánh bạc với ông trời - phải thả tôm trong sự mù mờ về giá cả, kỹ thuật và dịch bệnh. Chuyện thật mà nghe cứ như đùa (!).