Trai tai tượng vảy (Tridacna squamosa) là một trong những loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam và có nhu cầu xuất khẩu lớn. Không những thịt của chúng có giá trị dinh dưỡng cao mà vỏ còn được sử dụng để làm hàng thủ công. Chúng dinh dưỡng cộng sinh với một số loài tảo nên vỏ có màu sắc đa dạng và sặc sở, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thịt của Tridacna squamosa (trai tai tượng vảy) có hàm lượng protein chiếm 34,7% trọng lượng khô và hàm lượng acid amin cao đặc biệt là các acid amin glycine, cystine, proline, arginine, cysteine và leucine. Trong 10 acid béo phân tích được, acid béo không no chiếm tỉ lệ cao nhất, ngoài ra các acid béo có nhiều nối đôi như ω3 là những chất rất quan trọng trong điều hòa hệ thống miễn dịch cũng chiếm tới 18.4%.
Trong những năm gần đây, nguồn lợi trai tai tượng đang bị khai thác quá mức nên đã bị giảm sút nhanh chóng, có nguy cơ cạn kiệt. Các loài trai này thường có mật độ cá thể trong tự nhiên thấp, sinh sản không thường xuyên và thời gian sinh trưởng dài nên các quần thể trai sẽ bị tác động mạnh nếu việc khai thác thiếu kiểm soát. Một số hoạt động bảo tồn loài trai tai tượng vảy được bắt đầu từ năm 2004 nhằm duy trì và phát triển quần thể trai tai tượng vảy. Hiện nay, loài này được xếp vào danh mục loài nguy cấp được ưu tiên bảo tồn, bảo vệ tại Việt Nam và loài được bảo tồn.
Nghiên cứu các loài trai tai tượng đã được tiến hành theo nhiều hướng khác nhau trên thế giới, trong đó các nghiên cứu liên quan đến trai tai tượng vảy như đặc điểm sinh học, sinh thái, phân bố, sản xuất giống nhân tạo còn rất ít, đặc biệt, việc sản xuất giống gặp không ít khó khăn với tỷ lệ sống thấp trong giai đoạn ấu trùng và ở giai đoạn xuống đáy, chất lượng con giống không ổn định. Trong giai đoạn xuống đáy, ấu trùng rất dễ nhạy cảm với môi trường. Bất kỳ một sự biến động về môi trường nào đều dẫn đến ấu trùng không thể xuống đáy và chết hàng loạt.
Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của chất đáy đến tỉ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng trai tai tượng vảy (Tridacna squamosa) giai đoạn sống đáy” của Phùng Bảy và ctv được thực hiện nhằm tìm ra chất đáy phù hợp cho sản xuất giống trai tai tượng.
Phương pháp thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí trong các bể nhựa có thể tích 1 m³. Sử dụng nước biển lọc sạch với độ mặn 30 ppt và được sục khí liên tục 24/24h.
Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức chất đáy khác nhau:
* Nghiệm thức 1: lưới 200 µm
* Nghiệm thức 2: đá san hô chết
* Nghiệm thức 3: cát
* Nghiệm thức 4: đáy bể composit
Thí nghiệm được tiến hành từ khi ấu trùng xuất hiện chân bò chuẩn bị hạ đáy đến khi hình thành con giống cấp 1 (1-3 mm). Mật độ ấu trùng trong mỗi bể thí nghiệm là 5 ấu trùng/ml.
Ấu trùng được cho ăn 2 lần/ngày, thức ăn là các loài tảo đơn bào như Isochrysis galbana, Chaetoceros sp, tảo cộng sinh. Mật độ cho ăn tăng dần từ 6.000 đến 9.000 tế bào/ml khi hình thành con giống 2 mm.
Kết quả
Qua 26 ngày thí nghiệm, nghiệm thức chất đáy san hô chết có chiều cao trung bình lớn nhất (1020,8 µm) và khác biệt với các nghiệm thức còn lại, tốc độ sinh trưởng tuyệt đối bình quân ngày cũng cao nhất, 31,48 µm/ngày. Tiếp theo là ấu trùng ở nghiệm thức chất đáy bể composit, với chiều cao 890,64 µm (p<0,05) tốc độ sinh trưởng tuyệt đối bình quân ngày 26,29 µm/ngày.
Chất đáy ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ hạ đáy và tỷ lệ sống của con giống trai trai tượng vảy. Trong 4 loại chất đáy thì đáy san hô chết cho kết quả cao nhất về tỉ lệ hạ đáy (55,2%) cũng như tỷ lệ sống (42,8%) của ấu trùng. Ấu trùng được nuôi trong đáy bể composit cho tỷ lệ hạ đáy (40%) và tỷ lệ sống 38,6 % cao thứ hai. Hai nghiệm thức chất đáy còn lại là đáy lưới 200 µm và đáy cát có tỷ lệ hạ đáy và tỷ lệ sống của ấu trùng thấp nhất.
Tóm lại, trong 4 loại chất đáy (lưới 200 µm, đá san hô chết, cát, đáy bể composit) thì chất đáy đá san hô chết cho sinh trưởng về chiều cao, tốc độ sinh trưởng tuyệt đối về chiều cao, tỷ lệ hạ đáy và tỷ lệ sống của ấu trùng trai tai tượng vảy cao nhất.
Kết quả từ nghiên cứu bước đầu cung cấp thêm thông tin về sản xuất giống để hoàn thiện quy trình sản xuất, phục vụ cho nuôi xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và tái tạo nguồn lợi tự nhiên nhằm duy trì và phát triển quần thể trai tai tượng vảy.