Tháng 7.2012, Chính phủ đã đồng ý chọn huyện đảo Lý Sơn làm mô hình thí điểm phát triển tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ sắt, với thiết kế hiện đại, tham gia hoạt động dài ngày ở các vùng biển xa bờ. Đến nay đã gần 1 năm trôi qua, việc triển khai dự án này vẫn lúng túng và giẫm chân tại chỗ do nhiều qui định của các bộ ngành liên quan. Đây đang là rào cản khiến nhiều ngư dân không mặn mà với việc tham gia đề án này.
Sau gần nửa năm khởi công đóng tàu vỏ sắt trọng tải 600 tấn, với chức năng vừa khai thác và làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển theo đề án đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân của Chính phủ, Công ty CP thủy sản Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn) dù đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết nhưng hiện doanh nghiệp này vẫn chưa thể tiếp nhận được nguồn vốn vay ưu đãi theo qui định. Dự án đóng tàu sắt của Công ty CP thủy sản Lý Sơn có tổng vốn đầu tư trên 19 tỉ đồng, theo qui định sẽ được vay 80% vốn (khoảng 16 tỉ đồng), 20% còn lại là vốn đối ứng.
Ông Vũ Văn Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản Lý Sơn, bức xúc: Mọi thủ tục từ thẩm định thiết kế, phương án sản xuất, kinh doanh cùng các văn bản qui định để tham gia đề án được doanh nghiệp hoàn thành sớm và trình các ngành chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi ngành ngân hàng tổ chức thẩm định thông tin doanh nghiệp và việc góp vốn thì cho rằng các cổ đông tham gia đề án phải là người địa phương. “Ngư dân thì không đủ năng lực quản lý điều hành, cũng chẳng có nhiều vốn để đầu tư. Nếu họ không liên kết với người ngoài địa phương để tham gia đóng tàu thì đề án này không thể thực hiện”, ông Hội nói. Cũng theo ông Hội, nếu thủ tục qui định không rườm rà, thì cuối tháng 7 này, con tàu vỏ sắt trọng tải 600 tấn của doanh nghiệp sẽ hoàn thành và đây sẽ là con tàu vỏ sắt đầu tiên của đề án đi vào hoạt động.
Doanh nghiệp thì bị vướng thủ tục, còn ngư dân thì không mặn mà với đề án. Phần lớn ngư dân Lý Sơn không được đào tạo cơ bản, thiếu chuyên môn nghiệp vụ nên khi tiếp cận đề án này sẽ rất khó khăn, bởi muốn điều khiển phương tiện tàu cá với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đòi hỏi ngư dân phải có bằng cấp và được đào tạo bài bản. Mặt khác, lâu nay ngư dân quen sử dụng tàu vỏ gỗ, rất e ngại khi chuyển đổi sang sử dụng tàu đóng bằng các loại vật liệu khác, vừa khó khăn lại vừa đòi hỏi vốn đầu tư cao ngoài năng lực của họ.
Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cho biết, qua khảo sát ý kiến của ngư dân và một số doanh nghiệp đang tham gia vào lĩnh vực khai thác và làm dịch vụ trong tỉnh, chi cục ghi nhận được rằng hầu hết ngư dân đều tỏ ra e ngại với việc đóng tàu sắt. Họ đưa ra lý do nếu đầu tư đóng 1 tàu sắt công suất khoảng 400 CV có giá thành từ 5 - 7 tỉ đồng, trong khi đó nếu đóng 1 tàu vỏ gỗ công suất tương tự vốn đầu tư chỉ khoảng 2- 3 tỉ đồng, lại khỏi “lặn ngụp” trong những thủ tục qui định lòng vòng.
Chủ trương hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ được xem là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. Tuy nhiên, với những qui định rườm rà như hiện nay, thì không biết đến bao giờ chủ trương này mới thành hiện thực.