Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hiện nay vẫn dựa trên nông hộ là chính, diện tích nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cả về vốn lẫn khoa học kỹ thuật, dẫn đến dễ rủi ro dịch bệnh, năng suất, chất lượng thấp. Để giải quyết vấn đề này, hướng đi mà nhiều địa phương đang thực hiện là liên kết người nuôi tôm bằng mô hình doanh nghiệp xã hội.
Mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) khởi xướng đang có sức lan tỏa ở ĐBSCL khi nhiều tỉnh có diện tích nuôi tôm học tập, làm theo. Đây được coi là cách liên kết nông hộ nhỏ lẻ thành một tập thể, sản xuất hàng hóa lớn. Theo đó, thay vì để người nuôi tôm tự phát triển nhỏ lẻ, khi thành lập DNXH, sẽ tập hợp người dân lại, diện tích nuôi của mỗi hộ dân sẽ trở thành một ao nuôi tôm của doanh nghiệp.
Bà con sẽ được hỗ trợ kỹ thuật nuôi bằng một quy trình sản xuất thống nhất, tăng năng suất tôm, tạo ra sản phẩm sạch, giúp người dân tăng giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, còn giúp giải quyết vấn đề xã hội đang đặt ra như bảo vệ môi trường. Thậm chí, người dân có thể mua cổ phần của Cty để cùng chia sẻ lợi nhuận. Đặc biệt, phần lớn lợi nhuận DNXH tạo ra, sẽ được dùng đầu tư vào mục đích cho các vấn đề xã hội, môi trường.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang chia sẻ: “Là công ty chuyên chế biến tôm xuất khẩu, trăn trở lớn nhất của đơn vị là tôm nguyên liệu đầu vào luôn thiếu và giá cao. Nguyên nhân là quy mô hộ tôm nuôi ở Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún nên dễ bị rủi ro, sản lượng bấp bênh. Giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam hiện cao hơn các nước từ 1-1,5 USD/kg, dẫn đến chế biến xuất khẩu khó cạnh tranh. Để giải quyết vấn đề này, Minh Phú đã tìm ra hướng phát triển bằng mô hình doanh nghiệp xã hội”.
Theo ông Quang, muốn xuất khẩu được tôm ra thế giới thì phải có chứng nhận quốc tế, phải truy xuất được nguồn gốc. Các chứng nhận này thường tốn chi phí rất lớn (khoảng 10.000 USD/chứng nhận cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo giảm còn khoảng phân nửa). Với chi phí này thì chỉ có các doanh nghiệp lớn, còn hộ nhỏ lẻ không thể làm được. Trong khi doanh nghiệp lại không thể tự nuôi đủ tôm nguyên liệu cho chế biến mà phải dựa vào dân. Cách tốt nhất là liên kết họ lại, “biến” diện tích của mỗi hộ nhỏ lẻ thành một ao nuôi của doanh nghiệp.
Tham gia DNXH, nông dân góp vốn bằng chính ruộng đất của mình nhưng rất an tâm không sợ bị mất. “Góp vốn nhưng nông dân vẫn trực tiếp canh tác trên phần đất của mình, theo một quy trình thống nhất. Giữa doanh nghiệp và nhà nông sẽ được ràng buộc với nhau bằng một hợp đồng kinh tế. Tập đoàn Minh Phú giúp dân nuôi tôm với quy trình sạch bệnh, chất lượng, giá thành thấp và quan trọng là có được chứng nhận quốc tế phục vụ cho chế biến xuất khẩu”, ông Quang khẳng định.
Mô hình DNXH mà Minh Phú thực hiện được khởi đầu từ tôm nuôi sinh thái dưới tán rừng phòng hộ ven biển, tiếp đến là tôm – lúa và sau là tôm nuôi công nghiệp. Theo ông Quang, sở dĩ chọn con tôm sinh thái, tôm hữu cơ là do giá trị cao hơn từ 25-30% so với tôm nuôi thông thường. Nuôi trong môi trường sinh thái tự nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể dùng thức ăn hữu cơ để tăng năng suất nhưng không làm giảm đi giá trị của tôm khi chế biến xuất khẩu. Còn nuôi tôm công nghiệp, sẽ chọn nuôi theo mật độ thấp, vừa sức tải môi trường. Nuôi mật độ thấp không chỉ dễ nuôi, giảm nguy cơ dịch bệnh mà suất đầu tư cũng thấp, nông dân sẽ dễ đầu tư.
Về con giống, ông Quang cho biết, hiện nay các nước đã sản xuất được con giống kháng bệnh, gồm những bệnh rất nguy hiểm đối với nghề nuôi tôm là: EMS (chết nhanh) và đốm trắng, đang hướng tới kháng cả bệnh chậm lớn. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn loay hoay với con giống sạch bệnh.
“Giống sạch bệnh mà thả vào môi trường nuôi không sạch bệnh thì cũng vô nghĩa”, ông Quang khẳng định. Tuy nhiên, để nhập được tôm giống bố mẹ kháng bệnh về Việt Nam lại rất khó khăn, do vướng các quy định về thủ tục.
Mô hình DNXH sẽ thúc đẩy nghề nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng phát triển, nâng cao giá trị
“Tập đoàn Minh Phú đã nhập tôm bố mẹ kháng bệnh về để sản xuất tôm giống phục vụ sản xuất nhưng khi về tới sân bay lại bị buộc phải tiêu hủy. Nguyên nhân là tôm kháng bệnh thì... không sạch bệnh. Mà theo quy định hiện nay khi kiểm dịch phát hiện có bệnh là phải tiêu hủy. Muốn có tôm giống kháng bệnh để phục vụ sản xuất thì Bộ NN-PTNT cần phải “mở cửa” bằng cách sửa đổi quy định này”, ông Quang đề xuất.
Mới đây, tại hội nghị phát triển nghề nuôi tôm nước lợ do tỉnh Kiên Giang tổ chức, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tỉnh UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp sớm triển khai mô hình DNXH trên địa bàn, nhất là mô hình nuôi tôm rừng để phát huy lợi thế tài nguyên đất rừng ven biển. Đồng thời, ông Hồng cũng đề nghị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú giúp tỉnh triển khai thực hiện mô hình này.
Không chỉ nông dân nuôi tôm háo hức tham gia DNXH mà nhà quản lý, nhà chuyên môn cũng đánh giá rất cao hiệu quả mô hình. Theo ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, lợi ích dễ thấy nhất khi DNXH được thực hiện là, người dân được tập huấn, được hỗ trợ kỹ thuật nuôi.
Bên cạnh đó, còn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn, giúp tăng hiệu quả kinh tế. Còn doanh nghiệp dễ dàng truy xuất nguồn gốc tôm. Thay vì phải chứng nhận tôm sạch theo các tiêu chuẩn cho các hộ dân, khi liên kết thành lập DNXH và được chứng nhận, tất cả các hộ dân tham gia trong đó hiển nhiên sẽ được áp dụng các tiêu chuẩn chung. Doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu tôm sạch, giá trị con tôm khi xuất khẩu sẽ được tăng mạnh.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, hiện tại mô hình DNXH đã và đang được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương rất quan tâm, thúc đẩy phát triển tại Cà Mau. “Chúng tôi đánh giá cao mục tiêu mà DNXH hướng tới. Họ sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội là mục đích rất tốt. Chúng tôi đang kỳ vọng, với sự chung tay của doanh nghiệp, các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các hộ dân nuôi tôm dưới tán rừng, nghề nuôi tôm nước lợ sẽ phát triển mạnh”, ông Triều cho biết.