Từ chủ trương này, anh Hoàng Thế Vinh ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang đã mạnh dạn đầu tư trên 2 tỷ đồng để nuôi tôm với 3 hồ nuôi trên diện tích 6000m2. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, cuối năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới , anh Vinh đã đầu tư 500 triệu đồng cải tạo, nâng cấp hồ nuôi tôm, đặc biệt là lắp đặt hệ thống ương giống theo mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Tức là tôm được ương giống tại chỗ, được theo dõi chăm sóc, sàng lọc trước khi thả ra hồ nuôi đại trà. So với việc nuôi tôm truyền thống thì công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn có nhiều ưu việt như tỷ lệ tôm giống sống cao, quản lý về sức khỏe, dịch bệnh, tiết kiệm đáng kể về thời gian, công sức.
Thu hoạch tôm.
Ở huyện Gio Linh hiện có hai xã Trung Giang và xã Gio Hải phát triển mạnh nghề nuôi tôm thẻ chân trắng với gần 300 hộ tham gia nuôi trồng. Với diện tích đất vùng cát khá lớn, nguồn lao động dồi dào, việc phát triển nôi tôm và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn hiện nay mở ra nhiều cơ hội để Gio Linh đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng cát, tạo động lực để các địa phương ven biển thực hiện tiêu chí về thu nhập cho người dân thuận lợi hơn.
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn được người dân Gio Linh nói riêng và ngành chức năng kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hiện nay, mô hình mới triển khai ở giai đoạn đầu nên người nuôi tôm mong muốn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp và chính quyền các cấp tạo điều kiện về kỹ thuật, nguồn vốn để phát triển, mở rộng và nâng cao chất lượng của mô hình. Bên cạnh đó, tỉnh cùng cần sớm có giải pháp, chính sách cụ thể để động viên, hỗ trợ đối với những mô hình mới này. Từ đó, người dân mới có thể yên tâm sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng tôm nuôi và góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
Tiếp tục xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện các chính sách của UBND tỉnh Quảng Trị về triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn xây dựng các tiêu chí lựa chọn mô hình, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản và thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng 5 mô hình nuôi tôm công nghệ cao Biofloc hoặc Semi - Biofloc ở các huyện Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh.
Những mô hình này đã phát huy tốt hiệu quả trên nhiều mặt, nhất phòng tránh dịch bệnh, rút ngắn chu kỳ nuôi, tạo ra sản phẩm tôm sạch, bảo vệ môi trường và mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để tiếp tục nhân rộng, phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã rà soát và chọn thêm 9 hộ đủ điều kiện để hỗ trợ triển khai mô hình này trong thời gian tới.
Được biết, rào cản lớn nhất đối với người tôm trên địa bàn tỉnh hiện nay là dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đầu năm 2018 đến nay, dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính đã xảy ra ở 12 xã, phường các vùng nuôi tôm trọng điểm với tổng diện tích gần 97 ha khiến nhiều hộ nông dân thua lỗ nặng nề.