Hội nghị thống nhất đánh giá, nghề nuôi tôm là một trong những nghề đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, người nuôi tôm thường gặp nhiều khó khăn (dịch bệnh, chất lượng tôm nuôi không tốt). Cho nên, việc phát triển ngành nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP là hết sức cần thiết, nhằm hướng đến việc giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm tôm, thân thiện với môi trường và tăng thêm lợi nhuận.
Mô hình được xây dựng tại xã Thạnh Phước, với diện tích 1ha, chủ mô hình là ông Phạm Văn Lành và ông Lê Quang Tâm. Các hộ nuôi đã thực hiện đúng quy trình: chọn vị trí ao nuôi có nguồn nước chủ động, cải tạo ao, chọn giống và thả giống, chế độ chăm sóc và quản lý. Qua 3 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ trung bình 12,2g/con, tỷ lệ sống 71%, sản lượng 10,4 tấn/ha, được bán với giá 90.000 đồng/kg, tổng thu 936 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí (576 triệu đồng), chủ hộ còn thực lãi gần 360 triệu đồng.
Như vậy, về kinh tế, nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP, sản phẩm có chất lượng an toàn. Về mặt thị trường, do kích cỡ tôm lớn đồng đều nên dễ tiêu thụ, giá cao. Về mặt xã hội, mô hình góp phần hạn chế tác động xấu đến môi trường. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ nhiệm Dự án cho biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP được các hộ nông dân đồng tình rất cao. Trong vụ nuôi tới, số hộ nuôi sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.