Bên bếp lửa hồng, mùi thơm của nồi gạo nương hòa lẫn hương thoang thoảng bát canh cua đá nấu rau rừng, đĩa cua đá hấp sả...
Những ngày cuối hạ, khi cơn mưa giông buổi chiều miền núi trút nước ào ào như thác đổ, lũ cua từ những hang, hốc đá dưới rẫy chuối, khóm cây bên các dòng suối trên rừng bò ra uống nước, dầm mưa. Thời gian này cũng là mùa đi bắt cua đá.
Cua đá thường ăn côn trùng, lá rừng và sinh sản nhiều. Hình dạng cua đá bình thường như các loài cua khác, mỗi con to bằng nắm tay người lớn, con lớn có khi bằng cái chén ăn cơm, màu đỏ nâu. Người ta thường đi bắt cua đá khi mưa rừng vừa dứt, trời đã sụp tối. Cua vừa bắt về, đổ ra thau, thêm vào đó xăm xắp nước ngâm độ vài giờ cho sạch chất bẩn rồi chế biến.
Phổ biến nhất là món cua đá hấp sả. Chọn những con cua cái, thịt săn, hấp cách thủy trong vòng nửa giờ sau khi đã cho thêm vài cọng sả. Cua đá hấp sả nhìn trông rất bắt mắt, toàn thân là một màu đỏ hồng như màu gạch, vỏ bóng loáng. Món này ăn kèm rau húng, rau răm chấm muối tiêu chanh. Hương vị cua đá hấp sả thật đậm đà, mùi thơm của rau quyện với vị ngon ngọt của cua đá cứ ngấm dần, ngấm dần nơi đầu lưỡi.
Đồng bào vùng cao còn hay dùng cua đá để nấu canh, tạo nên hương vị khá độc đáo. Cua đá hợp với các loại rau rừng như rau sắng, rau dớn, rau lủi, chùm bao hoặc rau nhà như mồng tơi, cải cúc... Rửa sạch thân ngoài, bóc mai, lấy gạch, rửa lại bằng nước nóng cho khỏi tanh rồi tách con cua làm hai hoặc ba tùy theo lớn hay nhỏ. Đợi nồi nước trên bếp thật sôi rồi bỏ cua vào. Độ mười phút, khi cua đã chín, cho rau vào. Nêm ít muối với bột ngọt là xong.
Đặc biệt, càng cua đá rang muối là món ẩm thực đặc sắc, dễ làm nên được nhiều người ưa thích. Chọn những càng cua tươi, to, chắc, rửa sạch, để ráo nước. Cho càng cua vào chảo gang hay chảo đất, rang, trộn đều với muối hột. Đậy hé nắp chảo, để lửa liu riu, khi nào nghe muối hết nổ thì bắc chảo xuống, trộn đều cho muối bám, thấm vào càng cua.
Có thể nói, cua đá là nguồn thực phẩm quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho bà con miền núi. Có đến tận nơi, nhâm nhi một ít rượu nồng, ăn miếng cua đá ngọt lịm mới thấm thía hơn cái thú ẩm thực của người vùng cao, giản dị mà không kém phần tinh tế.