1. Các Sở, Ban, Ngành liên quan phối hợp với các huyện, thành phố có phong trào nuôi tôm tổ chức rà soát lại các vùng nuôi tôm và có quy hoạch kỹ thuật chi tiết cho từng vùng; có hệ thống thoát và cấp nước đồng nhất; có hệ thống ao chứa xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi; vùng nào chỉ nuôi quảng canh, nuôi xen ghép, nuôi sinh thái; vùng nào được nuôi thâm canh; vùng nào có thể nuôi theo hướng công nghệ cao. Quy hoạch vùng nuôi tôm hợp lý sẽ tạo thuận lợi tốt về môi trường nuôi cho tôm nuôi như: Chủ động được nguồn nước cấp và thải, ngăn chặn và xử lý kịp thời bệnh và dịch bệnh xảy ra, tạo điều kiện cho việc áp dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất…
2. Trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng, con giống là một trong những yếu tố quan trọng; theo các chuyên gia, nếu tôm giống khỏe mạnh, sạch bệnh sẽ quyết định từ 50 - 60% sự thành công của một vụ nuôi. Tôm giống thả nuôi phải đảm bảo sạch bệnh, xét nghiệm tôm giống không nhiễm các bệnh đốm trắng (WSD), đầu vàng (YHV), Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), và bệnh hoại tử cơ (IMNV); đối với tôm Sú xét nghiệm không nhiểm virut MBV hoặc nhiểm ở mức độ cho phép từ 5 - 10% thì có thể nuôi được. Ngoài ra các đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản phải tăng cường thông tin tuyên truyền về tầm quan trọng chất lượng con giống thông qua hội thảo, Trang Nông nghiệp trên Truyền hình, báo, đài...; đồng thời tăng cường về công tác kiểm tra chất lượng con giống thả nuôi trên địa bàn tỉnh.
3. Hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng và mở rộng quy mô sản xuất của các đơn vị sản xuất giống tôm trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện liên doanh, liên kết với các Công ty sản xuất tôm giống có thương hiệu, có tiềm lực ở các tỉnh phía Nam để đảm bảo cung cấp đủ, tại chổ cả về chất lượng và số lượng tôm giống.
4. Áp dụng khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới vào nuôi tôm thương phẩm từ khi bắt đầu nuôi cho đến khi thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đảm bảo tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả của một vụ nuôi. Nghiên cứu xây dựng các quy trình công nghệ nuôi phù hợp với các vùng nuôi khác nhau.
5. Nâng cao kỹ thuật nuôi tôm thương phẩm cho các hộ nuôi thông qua các buổi tập huấn, hội thảo; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật có chuyên môn về nuôi trồng thủy sản định kỳ đến tận ao nuôi kiểm tra và hướng dẫn cho người nuôi; đặc biệt các mô hình nuôi mới như: Nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm theo công nghệ vi sinh, nuôi theo hướng VietGAP... Đây cũng là giải pháp rất quan trọng góp phần cho phát triển NTTS bền vững. Người nuôi tôm được đào tạo có kiến thức sẽ tiếp thu được những tiến bộ khoa học mới áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Họ sẽ tự nâng cao được nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi được trang bị một số kỹ thuật về nuôi tôm, họ sẽ lựa chọn những sản phẩm như thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học không gây hại hoặc ít gây hại đối với môi trường. Họ cũng sẽ tự nguyện và vận động người thân, hàng xóm tham gia xây dựng ý thức cộng đồng có trách nhiệm trong vùng nuôi.
6. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh thông qua các thông tin về công tác quan trắc, cảnh báo môi trường cho các vùng nuôi trên địa bàn. Khi nhận được thông tin về thông báo kết quả quan trắc môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản phải thông báo nhanh đến tận các vùng nuôi tôm và đưa ra hướng xử lý để đề phòng, hạn chế dịch bệnh.
7. Muốn nghề nuôi tôm phát triển bền vững phải duy trì bảo vệ môi trường trong sạch cả trong và ngoài vùng nuôi tôm. Theo các chuyên gia về lĩnh vực thủy sản thì tôm nuôi bị sự cố chết do môi trường chiếm 70%; chết do vi khuẩn, Vi rút chiếm 23%; chết do các nguyên nhân khác chiếm 7%. Chính vì vậy, việc duy trì và bảo vệ môi trường trong sạch trong quá trình nuôi, cũng như xử lý môi trường sau khi thu hoạch rất quan trọng. Nếu làm tốt khâu này, nghề nuôi tôm sẽ phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định lâu dài cho người dân.