Tôm chết tràn lan
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, có hơn 9.800 ha tôm nuôi ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận bị thiệt hại. Nguyên nhân do biến động bất lợi của môi trường, đặc biệt là nắng nóng kéo dài, nước bốc hơi nhanh gây cạn kiệt và độ mặn trong ao đầm tăng quá cao làm cho tôm nuôi chết. Tại xã Nam Thái A (H.An Biên), mặc dù đã xuất hiện một vài cơn mưa chuyển mùa nhưng độ mặn trong nước vẫn chưa giảm. Ông Nguyễn Văn Hai (ở ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A) cho biết độ mặn hiện lên đến 40‰, trong khi độ mặn thích hợp nhất để nuôi tôm nuôi ở mức từ 10 - 15‰.
“Từ đầu vụ đến giờ, tôi thả 4 đợt với hàng trăm ngàn con tôm giống trên diện tích 2,5 ha nhưng không thu hoạch được con nào. Tôm khoảng 40 - 45 ngày tuổi thì bắt đầu chết cho đến khi trắng đầm. Cả vùng này bà con nuôi tôm đều bị vậy chứ không riêng gì gia đình tôi”, ông Hai nói. Gần đó, vuông nuôi tôm hơn 2 ha của ông Trần Thanh Nhàn cũng trong tình trạng tương tự. “Tôi thả giống 3 đợt tổng cộng 180.000 con, nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay không thu được con tôm nào. “Nếu xả nước trong đầm ra cứu tôm thì không có nguồn nước bơm vào thay thế vì độ mặn của nước ở các sông rạch bên ngoài từ 25 - 30‰”, ông Nhàn cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Nam Thái A, cho biết: “Toàn bộ diện tích sản xuất theo mô hình tôm - lúa của xã khoảng 2.778 ha và 252 ha chuyên tôm đã thả giống. Đến thời điểm này, tôm - lúa bị thiệt hại hơn 70% diện tích và chuyên tôm khoảng 50% diện tích. Trong đó, tôm nuôi trên nhiều vuông của nông dân gần như mất trắng. Nếu tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, không mưa hoặc mưa ít thì diện tích tôm nuôi bị thiệt hại sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa”.
Không theo lịch thời vụ
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, ngoài các yếu tố môi trường bất lợi, thì việc nông dân không tuân thủ lịch thời vụ và chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn của ngành chức năng là nguyên nhân gây thiệt hại lớn trong vụ tôm này. Theo đó, bà con thường thả giống liên tục, hết đợt này đến đợt khác, thậm chí khi xuất hiện tôm chết trong vuông vẫn không dừng lại mà tiếp tục thả giống. Mặt khác, con giống chưa được kiểm soát, mua giống trôi nổi tiềm ẩn mầm bệnh.
Cùng với đó, hệ thống thủy lợi thiếu đồng bộ, chưa chủ động điều tiết được nguồn nước phục vụ nuôi tôm, nhất là cống ngăn mặn, giữ ngọt thi công kéo dài, chậm hoàn thành. Một lãnh đạo xã Nam Thái A cho biết trên đê quốc phòng thuộc địa bàn xã được đầu tư 3 công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt gồm cống Bảy Biển, Xẻo Đôi và Xẻo Quao, với tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi tôm nhưng đã hơn 4 năm kể từ ngày khởi công vẫn chưa đưa vào vận hành khai thác.
Để giảm thiểu rủi ro, hạn chế thiệt hại trong nuôi tôm tại vùng U Minh Thượng, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ những giải pháp đối phó với diễn biến của hạn mặn như: khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, ngừng thả tôm giống ở những nơi nước có độ mặn trên 25‰; tăng cường tập huấn khuyến nông gắn với hướng dẫn nông dân tập trung làm thủy lợi nội đồng, cải tạo, vệ sinh đầm vuông, xử lý mầm bệnh, chờ thời tiết thuận lợi và môi trường nước ổn định mới thả giống; khuyến cáo nông dân không mua tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc để thả nuôi...
Đồng thời tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống các công trình thủy lợi trọng yếu, nhất là các cống ngăn mặn, giữ ngọt trên tuyến đê quốc phòng ven biển An Biên - An Minh; hoàn thiện quy trình kỹ thuật mô hình luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm để chuyển giao cho nông dân sản xuất an toàn, bền vững.